Ngòi nổ chực chờ bùng phát giữa phương Tây và các quốc gia hồi giáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vấn đề tôn giáo sắc tộc giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây luôn là chủ đề nhạy cảm, đặc biệt khi Hồi giáo cực đoan là một trong những thách thức đe dọa an ninh các nước châu Âu. Câu chuyện xung quanh bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed ở Pháp một lần nữa đang châm ngòi cho nguy cơ bất ổn và chia rẽ trên thế giới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm hiện trường vụ tấn công khủng bố ở gần nhà thờ Basilica of Notre-Dame de Nice ở Nice hôm 29-10

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm hiện trường vụ tấn công khủng bố ở gần nhà thờ Basilica of Notre-Dame de Nice ở Nice hôm 29-10

Thời gian gần đây, Pháp liên tục chứng kiến nhiều vụ tấn công bằng dao do các phần tử cực đoan thực hiện. Chiều 29-10, gần một nhà thờ ở thành phố Nice đã xảy ra vụ tấn công bằng dao khiến 3 người thiệt mạng. Nghi phạm 21 tuổi người Tunisia liên tục hô “Allah Akbar” (đấng Allah vĩ đại) và đã bị cảnh sát bắt ngay sau vụ tấn công. Trước đó, hôm 16-10, giáo viên Samuel Paty đã bị Abdullakh Anzorov (18 tuổi) sát hại bên ngoài trường trung học Bois d'Aulne, sau khi ông cho học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed.

Nguồn cơn của làn sóng giận dữ

Làn sóng phản đối nước Pháp và Tổng thống Emmanuel Macron gần đây lan rộng sau khi ông khiến nhiều quốc gia theo Hồi giáo tức giận vì ủng hộ xuất bản tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed, điều cấm kỵ đối với đạo Hồi. Đáng nói, bức biếm họa này từng là nguyên nhân khiến tòa soạn báo Charlie Hebdo của Pháp bị tấn công cách đây 5 năm, làm 12 người chết, 11 người bị thương. Sau vụ giáo viên Samuel Paty bị một người gốc Chechnya chặt đầu vì cho học sinh xem những bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed trong tiết học về quyền tự do ngôn luận, Tổng thống Macron khẳng định Pháp “sẽ tiếp tục cuộc chiến vì tự do” và tăng cường các nỗ lực nhằm chấm dứt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở nước này.

“Liên hợp quốc quan ngại sâu sắc về tình trạng gia tăng căng thẳng và những hành vi kích động liên quan tranh biếm họa nhà tiên tri Mahammed, trong đó có những hành vi bạo lực nhằm vào những người dân vô tội. Việc xúc phạm tín ngưỡng và những biểu tượng tôn giáo có thể kích động hận thù và bạo lực cực đoan, dẫn tới sự phân cực và rạn nứt xã hội”.

Ông Miguel Angel Moratinos (người đứng đầu Liên minh các nền văn minh - cơ quan chống chủ nghĩa cực đoan của Liên hợp quốc)

Chính phủ của Tổng thống Macron cũng đang lên kế hoạch cho một dự luật mới để chống lại “chủ nghĩa ly khai Hồi giáo”. Ông Macron nói rằng, những người Hồi giáo đã tạo ra một nền văn hóa song song ở Pháp với việc từ chối các giá trị, phong tục và luật pháp của Pháp. Ông cũng cho rằng Hồi giáo là “một tôn giáo đang bị khủng hoảng trên toàn thế giới” và các lập trường của người Hồi giáo đang ngày càng cứng rắn hơn. Theo nhà lãnh đạo Pháp, những kẻ cực đoan đang cản trở sự hội nhập đó và chính phủ của ông đã bắt đầu thực hiện các cuộc truy quét, trục xuất và ra lệnh giải tán một số nhóm Hồi giáo nhất định.

Tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng “sẽ tiếp tục bảo vệ quyền được vẽ các tranh biếm họa Mohamed” đã làm bùng lên ngọn lửa giận dữ khắp thế giới Hồi giáo. Từ Saudi Arabia đến Bangladesh, Iran đến Morocco, nhiều quốc gia phẫn nộ phản đối Pháp. Làn sóng này có nguy cơ chia rẽ quốc gia Tây Âu và phần lớn thế giới Hồi giáo.

Người Iran kêu gọi tẩy chay Pháp bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở Tehran ngày 28-10

Người Iran kêu gọi tẩy chay Pháp bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở Tehran ngày 28-10

Từ khẩu chiến đến hành động tẩy chay

Đối với hàng nghìn người Hồi giáo trên toàn thế giới, họ cho rằng nước Pháp đang chống lại đạo Hồi. Các tổ chức và chính phủ nhiều nước Trung Đông chỉ trích phát biểu của ông Macron làm lây lan tâm lý thù hận giữa các dân tộc. Ngày 28-10, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nhấn mạnh việc ủng hộ đăng tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed là hành động “xúc phạm”. Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cảnh báo hành động phỉ báng nhà tiên tri Mohammed có thể châm ngòi cho bạo lực đẫm máu. Tehran cũng đã triệu một quan chức ngoại giao cấp cao của Pháp tại Iran đến để bày tỏ phản đối.

Bộ Ngoại giao Malaysia thông báo đã triệuông Gilles Barrier - Đại biện Pháp tại Kuala Lumpur, để bày tỏ lo ngại về “những phát ngôn thù địch và chế giễu đạo Hồi”. Trong cuộc gặp này, Bộ Ngoại giao Malaysia đã lên án mạnh mẽ “mọi lời nói mang tính kích động và các hành động phỉ báng đạo Hồi”. “Khẩu chiến” dữ dội nhất là từ phía Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông chỉ trích người đồng cấp Pháp rằng nên “đi kiểm tra sức khỏe tâm thần” vì cách đối xử với người Hồi giáo.

Ông Erdogan thậm chí còn đi xa hơn khi nói trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng, các sản phẩm của Pháp nên bị tẩy chay vì người Hồi giáo ở Pháp đã phải chịu “một cuộc tấn công như chiến dịch chống lại người Do Thái ở châu Âu trước Thế chiến thứ hai”. Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28-10 cũng đã lên án bức tranh biếm họa thể hiện sự kinh miệt đối với Tổng thống Tayyip Erdogan bằng tiếng Pháp trên tuần báo trào phúng Charlie Hebdo, đồng thời gọi đó là “nỗ lực đáng khinh” để “truyền bá sự phân biệt chủng tộc và hận thù văn hóa”.

Theo các nhà quan sát, trong chiến dịch tẩy chay hàng hóa Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò chính và “mượn cớ” này để gây áp lực với Paris khi 2 bên đang mâu thuẫn liên quan tới xung đột ở Syria, Libya, các cuộc đụng độ Armenia-Azerbaijan và hồ sơ thăm dò khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải. Cần lưu ý rằng Pháp là nước xuất khẩu lớn thứ 10 sang Thổ Nhĩ Kỳ và là thị trường lớn thứ 7 cho hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, kể từ ngày 25-10, các sản phẩm của Pháp trên kệ hàng tại nhiều siêu thị ở Jordan, Qatar và Kuwait bị dỡ xuống. Một số mặt hàng như thuốc chăm sóc tóc, đồ mỹ phẩm có xuất xứ từ Pháp cũng biến khỏi các gian trưng bày. Cho đến nay, Pakistan cũng là một trong số các quốc gia kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp mạnh mẽ nhất. Thủ tướng Pakistan Imran Khan hôm 27-10 đã đăng trên Twitter chỉ trích các hành động và tuyên bố của Tổng thống Pháp “chắc chắn dẫn đến cực đoan hóa”.

Bóng ma của chủ nghĩa khủng bố

Có thể thấy, thông điệp của thế giới Hồi giáo đã rõ ràng: Nếu một quốc gia cho phép xuất bản những tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohamed thì nước đó sẽ phải gánh chịu tác động kinh tế lớn. Giới phân tích cho rằng, mối quan hệ giữa Pháp với các quốc gia Hồi giáo vì thế có thể bị “đẩy căng” trên lĩnh vực ngoại giao và kinh tế, nhưng khó biến thành một cuộc đối đầu rộng lớn hơn. Tuy nhiên, xét về lâu dài, xung đột này sẽ rất khó giải quyết, thậm chí là nan giải vì đó là xung đột về giá trị giữa 2 xã hội có các nền tảng về văn hóa và tôn giáo khác nhau.

Người Hồi giáo có quyền tức giận khi Tổng thống Pháp Macron lấy việc châm biếm hình ảnh nhà tiên tri Mohammed như một biểu tượng cho tự do ngôn luận phương Tây. Nhưng mặt khác, người Pháp và phương Tây cũng có quyền cho rằng tự do ngôn luận, tự do tôn giáo - phi tôn giáo của họ là cao nhất. Phát biểu sau vụ tấn công ở Nice hôm 30-10, Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Nếu chúng ta bị tấn công một lần nữa, đó là vì các giá trị của chúng ta, sở thích tự do, quyền tự do tin tưởng tự do và không nhượng bộ bất kỳ sự khủng bố nào của chúng ta. Nước Pháp sẽ không nhượng bộ. Chúng tôi đã tăng cường an ninh để đối phó với mối đe dọa khủng bố”. Vấn đề nan giải là 2 bên tôn thờ những giá trị tư tưởng riêng của mình, nhưng họ không thể tách biệt mà lại xâm nhập vào nhau, khi các cộng đồng Hồi giáo đang ngày càng phát triển ở Pháp và các nước phương Tây.

Cũng vì mối xung đột tiềm ẩn đó, chủ nghĩa khủng bố luôn là thách thức trên toàn cầu. Philip Ingram, một cựu sĩ quan an ninh và tình báo cấp cao của Anh nhận định: “Cuộc tấn công ở Nice rất tiếc là không bất ngờ. Các nhóm cực đoan đã sử dụng thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 để tiếp tục tuyển dụng trực tuyến và tích cực khuyến khích các cá nhân thực hiện các cuộc tấn công đơn độc. Đây là điều cực kỳ khó khăn cho các nhà chức trách theo dõi và khi tương tác xã hội ít đi, càng khó phát hiện ra những mối đe dọa trước khi chúng trở thành hiện thực”.

Theo chuyên gia chống khủng bố quốc tế, các quốc gia cần phải đoàn kết và nỗ lực hơn nữa trong việc chống lại các hệ tư tưởng khủng bố tiềm ẩn và các lỗ hổng trong các xã hội có nguy cơ hiện hữu. Chỉ thông qua hợp tác quốc tế, sự gia tăng khủng bố trên toàn cầu mới có thể được chống lại một cách thích đáng.