Ngoại trưởng Phần Lan: EU chỉ “vô tình” làm đau Nga

ANTĐ - Ngày 5-1, Ngoại trưởng Phần Lan, Erkki Tuomioja cho rằng, khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Liên minh châu Âu (EU) không nhằm mục đích làm “đau” Nga.

Ngoại trưởng Phần Lan: EU chỉ “vô tình” làm đau Nga ảnh 1Ngoại trưởng Phần Lan, Erkki Tuomioja
Nhận định về tuyên bố của Tổng thống Pháp, Francois Hollande, cho rằng EU nên dừng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, Ngoại trưởng Tuomioja nói: “Tuyên bố này rất phù hợp với quan điểm của EU. Song chỉ khi căng thẳng tại “điểm nóng” Ukraine giảm xuống, thì các lệnh trừng phạt mới có thể được nới lỏng hoặc dỡ bỏ”.

Ông Tuomioja cho biết: “Lệnh trừng phạt chỉ được áp đặt nhằm mục đích tạo điều kiện giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine bằng các biện pháp chính trị, chứ không hướng tới việc làm “đau” và tổn hại lâu dài đối với nền kinh tế - chính trị ở Nga”.

Cũng trong ngày 5-1, Tổng thống Hollande tuyên bố trước truyền thông nước mình rằng, đã đến lúc châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moscow, sau khi Nga cho thấy những thiện chí trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trả lời cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh France Inter, Tổng thống Pháp cho rằng, các lệnh trừng phạt mà quốc tế áp đặt lên Nga đã “khiến nước này đối mặt với những khó khăn nhất định”, nhưng cuộc khủng hoảng ở Nga cũng không phải là điều tốt đối với nền kinh tế của châu Âu.

Ông Francois Hollande lưu ý: “Tổng thống Nga Putin dường như không mong muốn chiếm giữ miền đông Ukraine. Có thể ông Putin chỉ muốn duy trì sự ảnh hưởng của Nga đối với người láng giềng lâu năm này và kiềm chế việc NATO, bởi ông lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh của nước mình”.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng khẳng định, ông sẵn sàng tới Astana, Kazakhstan vào ngày 15-1 tới, để tham gia cuộc họp với sự tham dự của Nga, Pháp, Đức, Ukraine do Tổng thống Petro Poroshenko đề xuất, nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.

EU và Mỹ thực hiện lệnh trừng phạt kinh tế đầu tiên đối với Moscow và một số công dân Nga, sau khi Moscow sáp nhập Crimea. Những biện pháp trừng phạt bổ sung khắc nghiệt đã tiếp tục được ban hành sau khi cuộc nội chiến ở đông nam Ukraine bùng phát.

Đầu tháng 9-2014, 420 quan chức, cá nhân của Nga và 143 công ty đã bị đưa vào danh sách xử phạt của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản, Thụy Sĩ và Na Uy. Các biện pháp trừng phạt bao gồm: lệnh cấm vận cung cấp vũ khí cho Nga và nhập khẩu vũ khí của Nga trong vòng 1 năm; một lệnh cấm cung cấp công nghệ tiên tiến cho ngành công nghiệp chiết xuất dầu của Nga và các sản phẩm công nghệ cao.