Ngoại trưởng NATO kêu gọi Nga chấm dứt xung đột tại Ukraine

ANTĐ - Ngày 13-5, Hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khai mạc tại tỉnh Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, với chương trình nghị sự tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, triển khai quân tại Afghanistan và mối đe dọa từ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã yêu cầu thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn Minsk tại miền đông Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga chấm dứt ủng hộ lực lượng ly khai và rút toàn bộ lực lượng của mình khỏi miền đông Ukraine.

Tổng thư kí NATO còn cho biết, liên minh này đang tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực phía đông, bao gồm khu vực Baltic như một phản ứng trước diễn biến tại Ukraine.

Ông cũng lên tiếng cáo buộc hành động của Nga gây mất ổn định tại phía đông Ukraine và khẳng định, nhiệm vụ của NATO là bảo vệ các nước đồng minh trước bất cứ mối đe dọa nào.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg 
Về vấn đề chống IS, ông tuyên bố: "Một trong những vấn đề quan trọng tại hội nghị lần này là cách thức mà NATO có thể làm nhiều hơn trong cuộc chiến chống khủng bố và chống IS".

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu khẳng định rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo đã gây nên một mối đe dọa ngày càng lớn ngay trước cửa ngõ của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tổ chức khủng bố này là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của chúng tôi”, ông nói và cho biết thêm rằng NATO cần phải giải quyết tận gốc nhóm khủng bố này.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Tổng thư kí Stoltenberg cho biết, Ngoại trưởng các nước NATO đã nhất trí giữ một phái bộ do lực lượng dân sự kiểm soát tại Afganistan, sau khi hoạt động đào tạo huấn luyện hiện nay kết thúc, nhằm tiếp tục thể hiện cam kết với Afganistan.

Theo ông, hiện NATO chưa có quyết định cuối cùng về qui mô cũng như số người sẽ ở lại Afganistan. Tuy nhiên, ông khẳng định, số người hiện diện tại Afganistan có thể ít hơn, nhưng vẫn có cả lực lượng quân sự và dân sự. Và điều này đòi hỏi các cam kết và sự đóng góp từ các nước thành viên NATO cũng như các nước đối tác khác.