Ngoại trưởng Mỹ đưa tân đặc phái viên quay lại Triều Tiên đàm phán phi hạt nhân

ANTD.VN - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ trở lại Triều Tiên vào tuần tới để tiếp tục thuyết phục nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trong chuyến đi này, ông sẽ dẫn theo đặc phái viên mới của Mỹ về vấn đề Triều Tiên là Stephen Biegun.

Ngoại trưởng Pompeo đã bổ nhiệm ông Biegun là đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên vào hôm 23-8.

“Biegun sẽ định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ với Triều Tiên và dẫn dắt nỗ lực của chúng ta nhằm đạt được mục tiêu của Tổng thống Trump về một sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn và không thể đảo ngược của Bình Nhưỡng như đã thỏa thuận với lãnh đạo Kim Jong-un. Ông ấy và tôi sẽ đến Triều Tiên vào tuần tới để đưa quá trình đối thoại tới mục tiêu của chúng ta”, Ngoại trưởng Pompeo cho hay.

Ông Biegun được trông chờ tạo nên "làn gió mới" cho đàm phán Mỹ - Triều Tiên

Đây là chuyến công du thứ 4 của Ngoại trưởng Mỹ đến Triều Tiên nhằm thuyết phục nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân và lần thứ 2 kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên ở Singapore hồi tháng 6.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Heather Nauert, ông Pompeo không có lịch trình gặp ông Kim Jong-un trong chuyến đi này.

“Vấn đề Triều Tiên là vô cùng khó khăn nhưng sẽ được giải quyết. Tổng thống Trump đã là người khởi đầu và chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để mang hòa bình đến cho người dân Triều Tiên”, ông Biegun phát biểu vào hôm 23-8.

Ông Biegun từng là một lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Ford Motor  trong 14 năm và cựu trợ lí cho cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Condoleezza Rice dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ông hiện cũng thường xuyên nằm trong ban cố vấn đối ngoại cho quốc hội Mỹ.

Tổng thống Trump đã ca ngợi hội nghị tại Singapore là một sự thành công và tuyên bố mối đe dọa từ Triều Tiên đã chấm dứt, tuy nhiên, một thỏa thuận chi tiết nhằm phá hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng theo ý Mỹ vẫn nằm trong bế tắc.

Hai nước chưa thể tạo ra sự đột phá trong đàm phán do Triều Tiên không chấp thuận yêu cầu của Mỹ về sự phi hạt nhân hoàn toàn trước khi nhận được bất kì sự nhượng bộ nào về gỡ bỏ trừng phạt kinh tế.