Ngoại trưởng Đức: NATO mắc bệnh "ưa dùng vũ lực để dọa nạt Nga"

ANTĐ - Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier vừa lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận của NATO ở Đông Âu là không giúp gì cho an ninh của khối NATO mà còn thổi bùng căng thẳng với Nga.

Theo tin đưa của Reuters, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 18/6 đã lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận quốc tế của khối NATO (mở rộng) mang tên Saber Strike đang diễn ra tại các nước Baltic và kêu gọi tiến tới đối thoại và hợp tác với Nga.

Loạt cuộc tập trận thường niên “Saber Strike” do Bộ Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ khởi xướng và tổ chức triển khai ở châu Âu. Cuộc tập trận này huy động sự tham gia của khoảng hơn 10.000 binh sĩ của 13 nước thành viên NATO và một số quốc gia đối tác của khối Liên minh.

Cuộc tập trận này được chia làm nhiều giai đoạn, diễn ra từ ngày 27/5 đến ngày 22/6, tại một loạt địa điểm ở 3 quốc gia NATO ở Baltic là Litva, Estonia và Latvia. Giai đoạn 2 của cuộc tập trận này mang tên “Gelezinis Vilkas 2016” vừa bắt đầu vào ngày 13/6 tại 3 nước Baltic.

Vũ khí, trang bị của quân đội NATO tập kết trong một cuộc tập trận

Nhà lãnh đạo cơ quan đối ngoại của Cộng hòa Liên bang Đức tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của tờ Bild am Sonntag là những điều NATO hiện nay không nên làm là kích động tình hình “với tiếng vũ khí khua loảng xoảng, cùng tiếng hô mệnh lệnh quân sự”.

Ông nhấn mạnh rằng, những ai nghĩ rằng cuộc tập trận rầm rộ của hơn 10.000 quân và cuộc diễu hành xe tăng mang tính biểu tượng trên biên giới phía đông của Liên minh NATO (tức biên giới phía Tây nước Nga) sẽ tăng cường an ninh cho khối thì người đó đã nhầm to.

Theo đánh giá của ông Steinmeier, hiện trong khối NATO đang có biểu hiện xấu khi một số quan chức mắc căn bệnh “thu hẹp nhãn quan một cách nghiêm trọng, khi chỉ nhìn vào khía cạnh quân sự và tìm kiếm cứu cánh trong chính sách dọa nạt”.

Tuy Ngoại trưởng Đức phản đối nhưng quân đội nước này vẫn tham gia tập trận “Saber Strike”

Ông lưu ý rằng, song song với việc sẵn sàng bảo vệ các đồng minh thuộc khối, NATO còn cần phải sẵn sàng đối thoại và hợp tác. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức cho rằng cần thiết “thu hút Nga vào quan hệ đối tác quốc tế đầy trách nhiệm”.

Tuy Ngoại trưởng Đức lên tiếng phản đối cuộc tập trận này nhưng trên thực tế, Đức là một thành viên nòng cốt tham gia cuộc tập trận này, bao gồm Estonia, Đan Mạch, Anh, Mỹ, Latvia, Litva, Ba Lan, Luxembourg, Na Uy, Pháp, Slovenia, Phần Lan và Đức.

Trong giai đoạn 2 của cuộc tập trận với sự tham dự của hơn 1500 quân và các đơn vị xe tăng, quân đội Đức cũng là thành viên quan trọng nhất trong 6 nước tham dự, bao gồm Đức, Đan Mạch, Litva, Luxembourg, Mỹ và Pháp.