Ngoại thành Hà Nội: Sắp hết cảnh nước sạch giá cao

ANTĐ - Hàng loạt các doanh nghiệp đang đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép lập dự án cấp nước sạch sinh hoạt cho những vùng khó khăn ở ngoại thành Hà Nội như: Ba Vì, Thạch Thất. 

Ngoại thành Hà Nội: Sắp hết cảnh nước sạch giá cao ảnh 1Người dân xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội
đang phải mua nước giá cao về sử dụng hàng ngày

Đề xuất 3 dự án cỡ trăm tỷ đồng

Sở KH-ĐT Hà Nội vừa đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo một số nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư Dự án cấp nước sạch liên xã Bình Phú, Chàng Sơn và Thạch Xá (Thạch Thất). Đây là những khu vực thường xuyên thiếu nước nghiêm trọng và người dân phải chịu chi phí đắt đỏ để mua nước sinh hoạt hàng ngày từ nhiều năm nay.

Đại diện Sở KH-ĐT cho biết, trong giai đoạn 1 (đến năm 2020), dự án có công suất khoảng 7.500m3/ngày đêm; giai đoạn 2 đến năm 2030 đạt khoảng 15.000m3/ngày đêm. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 133,9 tỷ đồng bằng nguồn vốn của chủ đầu tư. Địa điểm xây dựng trạm bơm tăng áp đặt tại khu vực thôn Bình Xá, xã Bình Phú... UBND TP Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở KH-ĐT, đồng thời giao các sở ngành liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định.

Cũng vào đầu tháng 4-2016, UBND TP đã nhận được đề xuất của Công ty CP VIWASEEN3 thuộc Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Bộ Xây dựng) về việc đề xuất thực hiện dự án xây dựng, sản xuất cung cấp nước sạch cho 11 xã  thuộc huyện Ba Vì theo chủ trương xã hội hóa cấp nước sạch nông thôn thành phố Hà Nội. Nguồn cấp nước là nước mặt sông Đà, lấy từ trạm bơm thủy nông Trung Hà. Công suất giai đoạn 1 khoảng 15.000m3/ngày đêm, giai đoạn 2 khoảng 30.000m3/ngày đêm; tiến độ đầu tư từ quý III-2016 đến quý IV-2017.

Trước đó, UBND TP đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án Nhà máy, hệ thống cấp nước sạch nông thôn tại 7 xã thuộc huyện Ba Vì. Dự án gồm 2 nhà đầu tư: Công ty CP đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì và Công ty CP Ao Vua. Dự án sẽ xây dựng công trình cấp nước tập trung khai thác nước mặt sông Đà, nhà máy xử lý nước tại xã Phú Sơn và mạng lưới đường ống dẫn và phân phối nước sạch. Giai đoạn 1 (đến năm 2020), công suất nhà máy xử lý nước dự kiến đạt 10.000m3/ngày đêm. Trong giai đoạn 2 (đến năm 2030), con số này tăng lên mức 15.000m3/ngày đêm.

Tổng vốn đầu tư của dự án ước tính hơn 196 tỷ đồng, gồm vốn góp của các nhà đầu tư và vốn vay các tổ chức tín dụng. Thời hạn hoạt động của dự án là 25 năm, kể từ ngày được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Nhà đầu tư đề xuất tiến độ xây dựng cơ bản của dự án trong 2 năm (2016-2017) và đưa công trình vào hoạt động từ quý IV-2017.

Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện

Theo Sở KH-ĐT Hà Nội, việc các doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án vào lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn bằng nguồn vốn ngoài ngân sách là phù hợp chủ trương, chính sách của Nhà nước và thành phố trong bối cảnh ngân sách eo hẹp hiện nay. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, Sở KH-ĐT đề nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hà Nội, nhằm đảm bảo chính xác về số lượng nhân khẩu, làm cơ sở để tính toán về quy mô công suất, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các dự án.

Trước băn khoăn về chất lượng nước sạch do các dự án xã hội hóa cung cấp, các chuyên gia ngành nước cho rằng, không đáng ngại bởi nước sạch sản xuất ra phải qua quy trình giám sát nghiêm ngặt bởi cơ quan chức năng, đảm bảo tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành mới được cung cấp tới người dân. Điều đáng lo với các dự án xã hội hóa là tỷ lệ dùng nước sạch ở nông thôn còn thấp, người dân vẫn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên như giếng khoan, nước mưa... Trong khi đó, công trình nước sạch tập trung cần lượng vốn đầu tư lớn. Nếu tỷ lệ người dùng thấp, thì dự án sẽ phải thực hiện trong thời gian dài kéo theo thời gian hoàn vốn rất chậm, không khuyến khích được các nhà đầu tư.

Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn, giảm tải cho ngân sách, thành phố cần sửa đổi quy định từ hỗ trợ cho các dự án. Theo đó, thay vì hỗ trợ sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, cần hỗ trợ ngay cho chủ đầu tư trong giai đoạn thi công theo phương thức ứng vốn từng phần. Đồng thời, các huyện và sở, ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để giúp doanh nghiệp sớm hoàn thiện hồ sơ, tận dụng tốt các chính sách ưu đãi của thành phố…