Ngoại thành cũng quá tải mầm non

ANTD.VN - Với những quận nội thành “lõi”, việc quá tải trong các trường mầm non không còn là chuyện lạ. Thế nhưng tại các huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Mê Linh, tình trạng quá tải vẫn xảy ra với nghịch lý có đất xây trường nhưng thiếu tiền đầu tư. 

Ngoại thành cũng quá tải mầm non ảnh 1Trường Mầm non Quang Minh B phải tận dùng hành lang làm phòng ăn cho trẻ

Công nhân không có chỗ gửi con 

Day dứt nhiều năm nay của bà Lê Thị Bách, Hiệu trưởng trường Mầm non Quang Minh B, huyện Mê Linh là việc phải từ chối nhận con của không chỉ người dân trong xã mà còn của rất nhiều những cặp vợ chồng công nhân trẻ xa quê làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh B.

“Có những cặp vợ chồng trẻ đến trường xin gặp và khóc với tôi. Họ nói “bà không nhận con của chúng cháu thì chúng cháu không biết phải gửi ai để đi làm khi không có ông bà trông nom, chỗ ở tạm bợ, công việc ca kíp không ổn định thời gian”. Nhiều năm làm hiệu trưởng, tôi hiểu hoàn cảnh của họ nhưng khó có thể tìm thêm chỗ để nhận các cháu khi trường đang phải mượn tạm phòng học của trường tiểu học và chia nhỏ thành 3 điểm” - bà Lê Thị Bách cho biết.

Quang Minh B là một trong những xã có tỷ lệ tăng dân số cơ học rất nhanh do gần kề khu công nghiệp lớn ngang với khu Bắc Thăng Long. Ngoài nhu cầu gửi trẻ của người dân trong xã thì số con của công nhân muốn xin vào học cũng tăng hàng năm. Toàn trường có hơn 28 lớp thì 7 lớp phải học tạm phòng học của trường tiểu học Quang Minh B, 9 lớp học tại điểm lẻ.

Trường chính chỉ đảm bảo được 12 lớp trong điều kiện tận dụng toàn bộ các phòng chức năng, làm việc. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, trường chỉ đáp ứng chưa được 40% nhu cầu theo học của trẻ trong lứa tuổi mầm non, do đó phải điều tra thu nhập của phụ huynh, ưu tiên các hộ nghèo. Với những hộ có thu nhập trung bình thì phải chấp nhận học ở các nhóm lớp tư thục.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng phòng GD-ĐT Mê Linh chia sẻ, khu công nghiệp Quang Minh chưa có trường học cho con em công nhân làm việc tại đây. Sau khi Đông Anh xây được trường cho khu công nghiệp Bắc Thăng Long thì Mê Linh thấy rõ việc xây dựng trường học là hết sức cần thiết và đang đề xuất UBND thành phố đầu tư với quỹ đất đã được quy hoạch sẵn. Nhưng vấn đề là thiếu vốn xây dựng.

Một lớp trên 70 cháu

Đây là ghi nhận thực tế tại trường mầm non Kim Lũ, huyện Sóc Sơn. Lớp học được đầu tư xây theo mô hình chuẩn quốc gia nhưng các lớp phải chia đôi để giảm sĩ số trẻ trên một lớp. “Nếu tính một lớp hoàn chỉnh như lớp học đúng tiêu chuẩn thì sĩ số trẻ trên mỗi lớp phải trên 70 cháu” - bà Nguyễn Thị Huyền Hải, Hiệu trưởng trường mầm non Kim Lũ cho biết.

Hiện trường này có 15 lớp bao gồm cả 2 khu lẻ. Các điểm lẻ này đều tận dụng lại nhà văn hóa của xã, cơ sở vật chất xuống cấp, chật trội, thấm trần, cách trường chính 3km và không đủ điều kiện tổ chức bán trú cho các cháu. 

“Hiện tổng số học sinh toàn trường là 765 cháu. Nhà trường phải dừng tuyển sinh sớm bởi thống kê thực tế số trẻ trong độ tuổi ra lớp ở địa phương lên tới gần 1.400 cháu” - bà Nguyễn Thị Huyền Hải cho biết. Tình trạng quá tải của trường này chỉ có thể khắc phục bằng việc xây thêm 1 trường mới thì mới đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ở địa phương nhưng cũng không đủ để đạt điều lệ trường mầm non là 35 trẻ/lớp.

“Định biên giáo viên được giao không đủ nhu cầu 2,2 giáo viên/lớp. Với lớp có 75 cháu chỉ có 3 cô. Lớp 50-55 cháu thì có 2 cô. Việc di chuyển điểm lẻ khó khăn cho công tác quản lý. Chúng tôi đã đề xuất huyện xây dựng trường để gom điểm lẻ về từ nhiều năm rồi. Thực tế, xã đã dành 8.000m2 trong quy hoạch để xây trường nhưng chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí” - bà Hải chia sẻ.

Dù được đầu tư nhiều hơn, trường mầm non Xuân Thu, xã Xuân Thu, Sóc Sơn cũng không tránh khỏi tình trạng quá tải so với nhu cầu thực tế. Bà Trần Thị Vui, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, số trẻ hiện nay là 615 cháu nhưng chỉ có 10 phòng học.

“Thực tế nhu cầu người dân còn cao hơn nhiều. Điều tra cho thấy, trẻ trong độ tuổi mầm non ở xã là 1.363 trẻ. Hiện nhà trường đang phải đáp ứng trung bình 60 trẻ/lớp, trong khi thiếu nhiều giáo viên so với quy định định biên với bậc mầm non”.

Bên cạnh đó, tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, đặc biệt nghiêm trọng với 4 lớp học đang bị nứt trần, ngấm dột, không đảm bảo an toàn cho trẻ. Tình trạng này đã được phản ánh nhiều năm tuy nhiên huyện vẫn chưa bố trí được kinh phí đầu tư sửa chữa.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn cho biết, huyện rất cần đầu tư lớn của thành phố để nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân. Mặc dù, huyện đã tập trung đầu tư để mỗi xã phường có từ 1-2 trường công, 3-4 trường dân lập nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

“Thực tế, tổng đầu tư cả huyện dành tới 60-70% ngân sách vào xây dựng trường lớp nhưng mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu gửi trẻ mầm non” - ông Nguyễn Văn Thanh cho biết.

Huyện này cũng đang thống kê nhu cầu cần tăng cường phòng học nhà trẻ hơn 60 lớp và mẫu giáo hơn 100 lớp trên toàn huyện, trong khi điều kiện huy động nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, các dự án tổ chức quốc tế rất ít.