Ngoại ngữ "ăn xổi" sao nổi?

ANTD.VN - Đề án ngoại ngữ 2020 giai đoạn 2016-2020, định hướng tới năm 2025 của Bộ GD-ĐT đã gây xôn xao dư luận xã hội với không ít băn khoăn, trăn trở cũng như bức xúc. 

Hiện nay, đã có 3 thứ tiếng là tiếng Anh, Pháp, Nhật là ngoại ngữ thứ nhất. Theo lộ trình, sắp tới sẽ có thêm tiếng Trung Quốc và tiếng Nga. Mặc dù việc lựa chọn ngoại ngữ nào để giảng dạy là ngoại ngữ thứ nhất tùy thuộc vào điều kiện, nhu cầu địa phương, song nhiều người tỏ ra lo ngại lộ trình này sẽ đi vào lối mòn luẩn quẩn như đã từng diễn ra mấy chục năm qua.

Nhìn lại chặng đường dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông ở Việt Nam có thể thấy rất nhiều bất cập. Năm 2006, học sinh được lựa chọn 1 trong 4 ngoại ngữ: tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất.

Năm 2011, Bộ GD-ĐT lại ban hành quyết định về việc tiếng Nhật được bổ sung dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của địa phương  và trường học. Một vài thập niên trước, trong ký ức của nhiều học sinh, giáo viên vẫn in đậm dấu ấn với nỗi xót xa, ngậm ngùi về một thời tiếng Nga gần như chiếm vị trí “độc tôn”.

Thế rồi bỗng dưng tiếng Nga bị “hạ bệ”, tiếng Trung, tiếng Pháp lên ngôi khiến hàng triệu học sinh ngơ ngác, sững sờ. Song, khổ nhất là hàng nghìn giáo viên ngoại ngữ được đào tạo bài bản trở tay không kịp trước sự thay đổi đột ngột. Nhiều người không dạy ngoại ngữ phải chuyển sang dạy môn học khác, thậm chí làm văn phòng, quản lý thư viện. Cho đến khi, hai thứ tiếng khác được vào giảng dạy trong nhà trường, học sinh lại trở thành “chuột bạch”. 

Nhắc lại chặng đường dạy ngoại ngữ trong hàng chục năm qua là để  rà soát, đánh giá thực trạng dạy học ngoại ngữ, nhất là thực trạng đội ngũ giáo viên, để kịp thời phát hiện những “lỗ hổng”, đưa ra các giải pháp hữu hiệu, căn cơ. Vậy thực trạng này sẽ được cải thiện như thế nào trong giai đoạn mới?

Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là học sinh tốt nghiệp THPT có đủ năng lực để tự tin sử dụng ngoại ngữ ở các bậc học tiếp theo, sinh viên có thể theo học các môn dạy trực tiếp bằng tiếng nước ngoài. Liệu đây có phải là mục tiêu cao xa hay không khi qua các kỳ thi trong nhiều năm qua, ngoại ngữ luôn là điểm yếu nhất. Dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam so với các nước trong khu vực chênh lệch rất lớn và đến bao giờ mới có thể rút ngắn khoảng cách?