Ngõ phố nổi danh Hà thành

ANTD.VN - Hà Nội phố nhiều, ngõ nhiều. Nghĩ đến ngõ phố ở nơi này người ta thường nghĩ ngay đến những vách tường cao cớm nắng, những bóng sáng loãng dần, những con ngõ dài sâu hun hút, có chỗ hai người đi đã phải tránh nhau. 

Ngõ Trạm thời kỳ bao cấp

Ngõ là thế, nhỏ và hẹp, thường là một nhánh của phố nhưng cũng có những con ngõ lại giống những con phố độc lập, có tên riêng, rộng rãi, ngõ là phố với đầy đủ những đặc điểm riêng vốn có.

Ngõ Trạm: Sao lại giống phố đến thế?

Khi còn là sinh viên, mỗi buổi tối khi học tiếng Anh ở trường Thanh Quan trở về, tôi thường rất hay đi qua cung đường Ngõ Trạm và cái ấn tượng của một chàng thanh niên lần đầu lên đất Thủ đô là một con ngõ lại giống phố đến thế? Lạ. Ngõ Trạm thực ra là phố nhưng nó vẫn giữ nguyên cái tên ngõ xưa như một niềm hoài vọng xa xăm.

Ngõ Trạm khá ngắn, bên chẵn chỉ có chục số nhà, bên lẻ là 20 số. Ngay đầu ngõ là nhà thờ của Hội thánh Tin Lành Hà Nội, một tòa nhà khá khiêm nhường và giản dị. Cùng phía với trụ sở của Hội thánh Tin Lành có một ngôi trường của các nhân sĩ trí thức Hà Nội đầu thế kỷ trước. Đó là trường Tư thục Thăng Long với tâm huyết của giới trí thức cách mạng Việt Nam nhằm khai chấn văn minh nước nhà.

Những lớp giáo viên đầu tiên của trường Tư thục Thăng Long khi ấy toàn là những nhân vật tiếng tăm và có những cái tên lưu lại với lịch sử lâu dài như Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Ngô Xuân Diệu, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên… Và trưởng thành từ ngôi trường ấy là những học trò đã làm rạng danh cho Hà Nội và cả nước như: Lê Quang Đạo, Phan Kế An, Lý Chính Thắng, Vũ Tú Nam… 

Ngõ Trạm ngắn nhưng có đủ vẻ đặc trưng của phố xá Hà Nội. Hầu như con phố nào của thành phố cũng có những quán ăn ngon. Ngõ Trạm cũng vậy, nơi đây có một hàng bún đậu mắm tôm có tiếng mà vào những giờ cao điểm nườm nượp người ra vào. Trước đây, trên phố còn có một cụ bà chuyên bán nem chua và cá nướng. Người đàn bà lam lũ, bàn tay gân guốc cần mẫn nướng những cái nem chua thơm phức hoặc những miếng cá bò lạ miệng phục vụ đám trẻ thích ăn vặt nhưng  bây giờ ở Ngõ Trạm không còn thấy người đàn bà ấy nữa. Bà ốm, bỏ nghề hay đã đi đâu?!...

Ngõ Huyện ngày nay luôn tấp nập khách du lịch

Ngõ Huyện: Ngõ mà cũng là phố

Giao với phố Lý Quốc Sư tấp nập có một con ngõ mang những nét rất đặc trưng của đất Hà thành: Ngõ Huyện. Ngõ mà cũng là phố với nhà hàng, khách sạn, các công ty du lịch lữ hành mọc san sát. Gọi là Ngõ Huyện vì con ngõ này từng là con đường dẫn đến phủ Huyện đường Thọ Xương, một trong những đơn vị hành chính chủ yếu của kinh thành Thăng Long xưa kia.

Ngõ lớn, phố nhỏ mà lúc nào tíu tít khách du lịch với đủ màu da, ngôn ngữ. Ngay đầu ngõ, tận dụng những khoảng tường rộng của những ngôi nhà kế bên, những hoạ sĩ đã vẽ những bức graffiti khá ngộ mắt.  Và ở những cửa hàng giải khát trong ngõ, lúc nào cũng thấy vài khách nước ngoài thư giãn ly cà phê ngay trên vỉa hè ngắm khách đi đường.

Ngõ Huyện còn được nhiều bạn trẻ biết đến vì đầu ngõ có hai hàng quà bình dân: bánh mì và cháo sườn sụn. Hàng bánh mì có đủ các món từ patê, trứng, lạp xường, chả… mà giá rất bình dân, chưa bằng cốc cà phê đen đá. Cháo sườn sụn được các bạn trẻ ưa chuộng hơn vì một bát cháo có sườn, ruốc, bên trên là một ít quẩy vàng ruộm cắt nhỏ trông khá hấp dẫn. Những ngày trời lành lạnh mà được sì sụp một bát cháo nóng hổi thì còn gì bằng. Cái nhược điểm của hai hàng này là bán ở ngoài trời, những hôm nắng hoặc mưa quá không ngồi mà ăn được.

Ngõ Gạch năm 1990 thế kỷ trước

Ngõ Gạch: Con phố vốn là dòng sông

Và có một con ngõ nằm trên một đoạn sông Tô Lịch ngày trước. Ngõ Gạch nguyên là một đoạn sông bị lấp của sông Tô Lịch và con phố cũng cong cong tự nhiên như một đoạn sông khi xưa.

Sự hoài cổ của con phố vốn là dòng sông này được hoài nhớ bởi một ngôi đình cổ kính giờ đã phải nằm chen chúc, sát sạt với những ngôi nhà cao tầng. Đình Thanh Hà thờ tướng quân Trần Lựu. Trần Lựu vốn là một trong những thủ lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn, người đã có công lớn trong việc đánh tan giặc Minh và góp phần chém bay đầu Liễu Thăng ở ải Chi Lăng năm 1427.

Nhưng có một chút man mác khi đến thăm ngôi đình cổ này, mặt tiền ngôi đình khuất lấp bởi nhà cửa san sát mà sân đình lại kín đặc bởi những dãy xe máy dày kịt.

Ngõ Hội Vũ có 3 nhánh tỏa ra 3 phố Hàng Bông, Tràng Thi và Quán Sứ

Ngõ Hội Vũ: Bóng dáng người đàn bà hào hoa

Một con ngõ nữa, cũng thuộc hàng nổi tiếng nhất nhì và có những điểm đặc sắc là ngõ Hội Vũ. Ngõ Hội Vũ có 3 nhánh tỏa ra 3 phố: Hàng Bông, Tràng Thi và Quán Sứ. Trong ngõ có những biệt thự cổ rất đẹp, gần như giữ được vẻ nguyên sơ của mình. Và nhắc đến ngõ Hội Vũ không thể không nhắc đến một nhân vật lừng lẫy một thời từng sống trong con ngõ này: Cô Tư Hồng.

Cô Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan, một nữ doanh nhân thành đạt của giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đời cô Tư Hồng thăng trầm, gắn với nhiều giai thoại và cả những biến cố đổi thay của lịch sử Hà Nội. Cô Tư Hồng chính là người trúng thầu phá thành Hà Nội theo yêu cầu của người Pháp nhưng cô cũng có công xây dựng kiến thiết phố phường mà dấu ấn để lại là những ngôi nhà ở các phố Cửa Đông, Đường Thành, Hàng Da, trường Việt Đức...

Nhà văn Uông Triều

Cũng vì truân chuyên chuyện tình duyên và là một doanh nhân thành đạt, cô Tư Hồng đã trở thành nhân vật trong một số sách văn học và lịch sử viết về Hà Nội. Ngôi biệt thự của người đàn bà  hào hoa một thời giờ vẫn còn nguyên vẹn ở ngõ Hội Vũ. Và một chiều bàng bạc rét, mù trời, đi dạo trong con ngõ, nhìn vào tòa biệt thự ấy, cảm giác rằng người đàn bà xưa vẫn ở đâu đây...

Ngõ Hội Vũ còn nổi tiếng với những quán cà phê trong những biệt thự Pháp có không gian đẹp và thoáng đãng. Màu thời gian như chùng lại, lắng đọng ở nơi  này và nếu bước chân đã mỏi thì có thể dừng chân ở ngay đầu ngõ, nhánh sát với phố Tràng Thi để vào một hàng sủi cảo, mì vằn thắn, bánh cuốn, miến ngan… làm một bát nóng hổi ngon miệng và tiếp tục cuộc hành trình. Ngõ Hà Nội như mang cả hồn cốt, tinh thần của đất Kinh kỳ thấm đượm trên những mái phố hôm nay.