Ngộ nhận và tỉnh ngộ

ANTĐ - Lâu nay, có những sự ngộ nhận rất tai hại dẫn đến những định kiến sai lầm. Chẳng hạn như tôi vẫn cứ nghĩ trẻ con bây giờ cận thị nhiều là vì học ngày, học đêm, học thêm, học nếm, rỗi rãi lại dán mắt vào tivi, iPad, Iphone…

- Nhiều người, trong đó có tôi cũng nghĩ như vậy.

- Sự ngộ nhận đó chỉ đáng khoảng 1%. Một công trình nghiên cứu y học ở nước ta vừa công bố cho thấy, việc sử dụng giấy trắng tinh từ học sinh tiểu học đến phổ thông trung học đã khiến mắt các cháu bị giãn đồng tử, tăng số lần nháy mắt khi viết, đọc.

- Từ đó các nhà khoa học rút ra kết luận gì?

- Ở Việt Nam, vở viết, sách giáo khoa có độ trắng cao gấp nhiều lần so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga.

- Xưa nay ai chẳng cho rằng, giấy vở trắng tinh khi viết lên nét chữ rõ ràng, dễ đọc. Có câu “giấy trắng, mực đen” đó sao?

- Lầm tưởng, ngộ nhận dẫn đến suy nghĩ rằng, giấy trắng, mực đen rõ ràng, nổi bật là tốt. Song khi đọc những dòng chữ chi chít trên trang giấy, hết trang này sang trang khác thì mắt sẽ bị lóa, bị mỏi và lâu ngày sẽ bị cận thị.

- Hóa ra vậy! Có cách nào phòng chống cho một thế hệ đã, đang, và sẽ cận thị?

- Các nhà khoa học đề xuất, nước ta không nên dùng loại giấy có độ trắng quá cao, mà dùng loại giấy hơi ngả sang màu vàng như các nước đang dùng.

- Khoa học thật chí lý, vừa giúp lớp trẻ giảm cận thị, vừa giúp người lớn tỉnh ngộ ra một sự ngộ nhận sai lầm: cứ tưởng “giấy trắng, mực đen” thì sẽ dễ phân biệt được trắng - đen, thật - giả, tốt - xấu.