Ngộ nhận

ANTĐ - 1. Ba anh em nhà nọ cùng hành nghề y. Một hôm có người hỏi, trong ba anh em thì ai là người giỏi nhất? Người em út bèn trả lời: “Anh cả giỏi nhất, anh hai giỏi thứ nhì, còn tôi là kém nhất”. Người kia lại hỏi: “Vậy thì sao anh lại nổi tiếng nhất trong số họ?”. 

Người em út đáp: “Anh cả của tôi thường chữa khi bệnh còn chưa phát tác ra ngoài. Vì những người bình thường không thể biết việc anh ấy có thể trừ hết căn nguyên của bệnh, nên không đánh giá cao, chỉ có người trong nghề mới biết. Còn anh hai lại giỏi chữa bệnh ở thời kỳ mới bộc phát, khi các triệu chứng còn nhẹ, thế nên người bệnh tưởng mình chỉ ốm sơ, chữa khỏi cũng chẳng khó khăn gì, nên danh tiếng của anh hai chỉ được lan truyền trong phạm vi hẹp. Còn tôi thường chữa những bệnh đã trong thời kỳ nghiêm trọng, giằng co giữa ranh giới sống chết, vậy nên cho rằng tôi tài giỏi. Thực ra chữa tận gốc của bệnh như anh cả tôi mới là người tài nhất”.

2. Có người khách đến nhà nọ chơi, thấy ống khói lò sưởi mắc thẳng, bên cạnh lại để nhiều củi, liền khuyên chủ nhà nếu muốn phòng hỏa hoạn nên làm ống khói gấp khúc, đồng thời để củi tránh xa. Chủ nhà nghe xong ừ hữ rồi cho qua. Không ngờ một đêm, nhà đó bị cháy. Hàng xóm xung quanh đều đến chữa cháy giúp, may không bị tổn thất quá nhiều. Chủ nhà làm cơm thết đãi những người này để trả ơn. Trước bữa cơm, vợ người chủ nhà chợt nhắc: “Nếu như ngày trước ông nghe lời người khách đó, thì đã chẳng bị một phen kinh sợ, cũng không phải tốn công làm bữa tiệc hôm nay. Vậy mà ông không hề mời người ta để cảm ơn, mà chỉ mời những người cứu hỏa là sao?”. Chủ nhà tỉnh ngộ ra, lập tức cho người đi mời ông khách. 

Phòng luôn luôn tốt hơn là chữa, đáng tiếc là nhiều người không hiểu được và không đề cao công tác phòng ngừa, nên luôn có những sự ngộ nhận đáng tiếc trong cuộc sống.