Ngỡ ngàng “đường lên trời”

ANTĐ - Tà Si Láng, một xã vùng cao thuộc huyện Trạm Tấu ở phía Tây Yên Bái. Với diện tích lên đến gần 90km2 nhưng dân số chỉ trên 1.000 người, đa phần là đồng bào Mông, nơi đây bị chia cắt với thế giới bên ngoài bởi con đường núi 17km nhưng đầy hiểm trở và có thể đe dọa tới tính mạng sống nếu có chút sơ sểnh.

Bản Suối Xuân trên đường lên Tà Si Láng

Đường lên Tà Si Láng gần như song song với đường lên Làng Nhì (một trong tứ đại hiểm địa), hai người anh em song sinh bị tạo hóa chia cách bởi núi cao, vực sâu, đứng từ bên này trông rõ bên kia nhưng để đến được phải mất già nửa ngày. Tà Si Láng vốn nổi danh trong giới “xê dịch” bởi những huyền thoại rất liêu trai, một chốn thâm sơn cùng cốc nhưng cũng đầy vẻ mê hoặc tới sững sờ. Ấy là mảnh đất 365 ngày chỉ có một mùa - mùa đông với mây mù bao phủ, nơi từ trên thiên đàng gửi xuống trần gian những thác nước ánh bạc buông mình xuống những con vực sâu hun hút tạo ra sức hấp dẫn của chốn địa đàng. Có lẽ bởi vậy mà những kiến tạo địa chất buộc mảnh đất này phải cách biệt với xã hội bên ngoài bởi những vực sâu thăm thẳm và con đường gồ ghề dốc ngược đầy hiểm nguy.

Cách thị xã Nghĩa Lộ, theo hướng từ Văn Chấn, chừng 10km có con đường nhỏ bên tay trái chỉ hướng Tà Si Láng - 17km, ngay từ những mét đường đầu tiên đã là những con dốc với những khúc cua tay áo thử thách tay lái của bạn. Ngày nay đoạn đường đầu tiên này đã dễ đi hơn, nhờ vào chính sách “xóa đói giảm nghèo” của Nhà nước từ hơn 10 năm trước, để xóa đi thế cô lập của xã vùng cao Tà Si Láng với cuộc sống hiện đại. Thế nhưng những con đường cấp phối: đất trộn đá mới mở rộng chừng 3-4m thay thế cho đường mòn dân sinh vẫn luôn trong nguy cơ bị sạt lở và mất đường mỗi khi trời mưa, nên cái dấu ấn về một “hiểm địa” cho tới tận ngày nay vẫn còn hiện hữu vô cùng rõ nét qua những đoạn đường chỉ vừa cho một lốp xe máy qua. 

Trên cung đường vạt mây cưỡi gió để đến Tà Si Láng, những thửa ruộng bậc thang ẩn hiện trong mây với những tạo hình độc đáo mở ra trước mắt, tựa như càng lên cao kĩ thuật đắp ruộng kè bờ của đồng bào càng đặc sắc. Chẳng ngoa khi nói đường lên Tà Si Láng là đường lên trời bởi sau khi đã vượt qua những con dốc xếp chồng lên nhau, nhìn lại bỗng thấy như những bậc thang ẩn khuất trong màu xanh mướt mắt của loài thông đuôi ngựa và phía xa là những mỏm núi ẩn hiện trong màn mây bạc sáng lòa. Những cái tên như bản Suối Xuân cũng như con suối chảy qua cũng đã đầy sức gợi hình về một chốn bồng lai tiên cảnh níu bước người khách phương xa. Trên đường đi xuyên qua vạt rừng Tà Si Láng để rồi chốc chốc lại được chiêm ngưỡng những thác nước trời đang tuôn chảy, tiếng suối hòa cùng những thanh âm của núi rừng tạo thành bản nhạc tươi mát và mê đắm tâm hồn.