Ngỡ ngàng chuyện 48 tỷ đồng để tháo dỡ 17km dải phân cách

ANTĐ - Sở GTVT tỉnh Hải Dương vừa công bố dành trên 48 tỷ đồng để tháo dỡ dải phân cách giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ trên tuyến quốc lộ 5, đoạn qua TP Hải Dương kéo dài 17km. Con số này đã gây ngỡ ngàng trong dư luận.

Công trình tháo dỡ dải phân cách này sẽ ngốn hết 48 tỷ đồng

Công trình tháo dỡ đắt đỏ

Theo đó, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý các dự án giao thông Hải Dương (Sở GTVT tỉnh Hải Dương), đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Thiên Khai (Hà Nội). Thời gian thi công dự kiến thực hiện từ nay đến cuối tháng 6-2013. Tổng dự toán công trình hơn 48 tỷ đồng. Sở GTVT Hải Dương nhận định, một số vị trí làn xe thô sơ được mở rộng, người dân và công nhân trong các khu công nghiệp cũng như khu dân cư thường xuyên đi ngược chiều trên làn này khiến mặt đường quốc lộ 5 trở nên chật hẹp. Bởi vậy, việc tồn tại phân làn bằng tôn lượn sóng với hộ lan di động giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên đoạn tuyến này.

Theo thiết kế, tuyến đường sẽ giữ nguyên quy mô đường hiện tại, không giải phóng mặt bằng, không mở rộng, chỉ tiến hành tháo dỡ và vuốt nối cho êm thuận giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ; tháo dỡ toàn bộ biển báo nằm giữa phân làn xe cơ giới và làn xe thô sơ. Bên cạnh đó, tại những vị trí trạm xe buýt, ở hai đầu trạm giữ nguyên hộ lan di động với chiều dài 20m; tiến hành trồng mới bổ sung tôn lượn sóng tại một số vị trí. 

Việc tháo dỡ dải phân cách giữa làn xe cơ giới và xe thô sơ trên tuyến quốc lộ 5 được nhận định là cần thiết trong bối cảnh giao thông hiện nay. Công trình này cũng đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) phê duyệt vào tháng 10-2012. Tuy nhiên, dùng số kinh phí 48 tỷ đồng chỉ để tháo dỡ 17km dải phân cách và làm bổ sung cục bộ một số đoạn trải nhựa, cột, tôn chắn sóng có hợp lý? 

Lãng phí ngân sách

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Cường, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 240 (Khu quản lý đường bộ II) cho biết, số kinh phí 48 tỷ đồng để thực hiện công trình trên sẽ do ngân sách tỉnh Hải Dương tạm ứng, Tổng cục ĐBVN ghi nợ, thanh toán bằng nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ 2013.

Ông Cường cho rằng, so với công trình, thì 48 tỷ đồng chi ra là hợp lý! “Công trình đã có tư vấn, thiết kế, dự toán hẳn hoi. Ngoài dỡ bỏ hàng dải phân cách còn tiến hành thảm bù lại toàn bộ làn đường xe thô sơ 2 bên. Chi phí cho việc dỡ bỏ cọc, tôn chắn sóng là không lớn, chủ yếu là chi phí để thảm lại đường”. Cũng theo ông Cường, do làn đường xe thô sơ thấp hơn làn đường xe cơ giới, sẽ phải thảm 2 lớp bù vênh, nên chi phí 48 tỷ đồng cũng ở mức… hợp lý. Ông Cường còn tiết lộ thêm: “Tổng cục ĐBVN đang tiến hành tháo dỡ (dải phân cách giữa làn xe thô sơ và xe cơ giới) trên toàn tuyến quốc lộ 5 ( trừ đoạn qua TP Hải Dương), xử lý cục bộ (trải thảm nhựa làn xe thô sơ do bị vênh) một số vị trí nhưng kinh phí cũng dự kiến hết hơn 793 tỷ đồng. Hiện, tư vấn đang trải thử 2 đoạn, mỗi đoạn 200m để thử nghiệm trước khi đưa vào trải đại trà ở làn đường thô sơ trên toàn tuyến”. 

Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp chuyên về cầu đường phân tích, chi phí tháo dỡ dải phân cách tôn lượn sóng và hàng rào hộ lan, tháo dỡ biển báo đều rất thấp. Đặc biệt với hàng rào hộ lan (có thể di động được) chi phí này gần như không đáng kể. Việc tháo dỡ với dải tôn lượn sóng hết trung bình 50.000 - 100.000 đồng/m bao gồm cả tháo gỡ và đào cột lượn sóng, việc trồng lại cột và lắp đặt lại tôn cũng hết chi phí tương tự. Nếu phải mua vật liệu mới và trồng lại hàng rào ở vị trí mới, chi phí cao nhất cũng hết khoảng 2 triệu đồng/m dài bao gồm cả cột và tôn lượn sóng. Như vậy, nếu đầu tư tôn lượn sóng mới thì chi phí lắp đặt bổ sung cũng chỉ hết hơn 5 tỉ đồng cho 17km.

Ngoài ra, theo tư vấn, cần thảm lại bê tông nhựa cho khoảng 2.700m đường bù vênh độ cao giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ - không phải giải phóng mặt bằng (độ dốc giữa 2 làn không lớn, khoảng 4 - 5%). Theo một doanh nghiệp đường bộ (với bề ngang làn xe thô sơ khoảng 2m), độ dốc 5%, sẽ cần khoảng hơn 700 tấn nhựa đường thảm. Với thời giá 1,6 triệu đồng/tấn nhựa thảm, việc thảm nhựa cũng chỉ hết khoảng 1,2 tỷ đồng/3km.