"Ngó lơ" doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khó đạt

ANTD.VN - Được xem là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008 nhưng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang ít được quan tâm.

"Ngó lơ" doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khó đạt ảnh 1

Hỗ trợ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp bằng chính sách thiết thực

Có thêm 150.000 hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ mỗi năm

Đánh giá về vai trò của các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, TS Võ Trí Thành- Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, hiện chiếm hơn 40% GDP cả nước.

Trong đó, doanh nghiệp tư nhân mới chỉ đóng góp gần 8%, phần còn lại thuộc về khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình.

“Mặc dù còn nhiều hạn chế về quy mô, tầm nhìn, còn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhưng nhờ có khu vực này mà chúng ta có nền kinh tế thị trường, có sự cạnh tranh. Đây cũng là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn, được thể hiện rõ nhất vào thời điểm năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp siêu nhỏ lại trụ vững”- TS Võ Trí Thành nói.

Việt Nam hiện có hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Trong đó có 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, hơn 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ. Hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định là một trong những động lực chính, góp phần xây dựng lực lượng 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Những năm gần đây, trong khi thống kê chính thức cho biết cả nước có khoảng 120.000 doanh nghiệp thành lập mỗi năm thì ở khu vực kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ, con số thành lập mới là khoảng 150.000- 160.000, lớn hơn nhiều khu vực doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính thức.

Bởi vậy, nếu lực lượng này được “chăm lo”, tạo điều kiện để “lớn lên” thành doanh nghiệp, thì không những đạt được mục tiêu số lượng 1 triệu doanh nghiệp trong hơn 2 năm tới, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Không riêng gì ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số doanh nghiệp. Tại Trung Quốc, theo thống kê của Tổng cục giám sát thị trường, tính đến tháng 11-2018, quốc gia này đã có hơn 30 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên toàn quốc.

Bà Trần Kiều- Vụ Xây dựng kinh tế (Bộ Tài chính, Trung Quốc) cho biết: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng mới trong phát triển kinh tế xã hội, chiếm hơn 50% doanh thu thuế, hơn 60% GDP, hơn 70% đổi mới công nghệ, hơn 80% việc làm tại đô thị và hơn 90% số doanh nghiệp. Lực lượng này đang có đóng góp vô cùng quan trọng vào tăng trưởng ổn định, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, cải thiện sinh kế của người dân”.

Không được quan tâm đúng mức

Doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể mặc dù được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, được xem là đối tượng để làm tăng số lượng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, song trên thực tế, những chính sách cụ thể để thúc đẩy đội ngũ này “lớn lên” lại chưa có nhiều, chưa khuyến khích được hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp.

TS Võ Trí Thành cho hay: “Lẽ ra với tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam, chính sách hỗ trợ phải quan tâm đến hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ nhiều hơn. Nhưng thực tế lại cho thấy, những doanh nghiệp này đang bị “ngó lơ”.

Chúng ta thường không mấy quan tâm đến việc một hộ kinh doanh cá thể bán nước mía của Việt Nam có thể cạnh tranh với các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của nước ngoài hay không? Hay sự biến mất của quán mì nhỏ đã tồn tại 20 năm của người Việt cũng không thu hút bằng việc một doanh nghiệp lớn của Việt Nam phải bán thương hiệu phở cho nước ngoài. Sự dửng dưng, chấp nhận này là chuyện bình thường, nhưng thật đáng lo!

Theo TS Võ Trí Thành, cần tạo điều kiện cho hộ gia đình và doanh nghiệp siêu nhỏ phát triển, bằng cách tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, có những doanh nghiệp lớn hơn dẫn dắt và được ưu đãi về thuế, mặt bằng sản xuất…

Đồng quan điểm này, PGS. TS Hoàng Trần Hậu- Giám đốc trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) nhìn nhận, trong nhiều năm tới, khối doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn là một trong những động cơ chạy chính của nền kinh tế Việt Nam. Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động, khu vực kinh tế này cần phải lựa chọn mục tiêu phù hợp với khả năng, ổn định, đồng thời chọn khâu lọc, điểm đột phá thuận lợi nhất.

"Những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều chính sách ưu tiên phát triển doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Chẳng hạn như chính sách thưởng 3 tỷ RMB (Nhân dân tệ) cho các trường hợp đạt được thành tích tốt trong mở rộng quy mô bảo lãnh tài chính doanh nghiệp nhỏ và vi mô tại các địa phương, giảm chi phí bảo lãnh tài chính doanh nghiệp cực nhỏ..."- bà Trần Kiều cho biết.