Ngộ độc nghiêm trọng vì bánh ngọt tẩm cần sa

ANTĐ - Thời gian gần đây, số trẻ em và học sinh ở bang California (Mỹ) phải nhập viện cấp cứu bị ngộ độc sau khi ăn những chiếc bánh ngọt tẩm cần sa có dấu hiệu gia tăng. Sự việc này báo động tình trạng ngày càng nhiều sản phẩm ăn và uống có chứa cần sa bên trong dưới nhiều hình thức khác nhau. 

Từ “phê”, “cười điên”, rồi mê man, ngất xỉu

Ngày 5-9 vừa qua, cả trường trung học De Anza tại thành phố Richmond, nằm cách San Francisco chừng 34 km về phía Ðông Bắc, được một phen xáo trộn trước những triệu chứng bất thường của 5 học sinh. Sau khi nôn thốc nôn tháo, 2 trong số 5 học sinh này ngất xỉu, đã được khẩn trương đưa tới bệnh viện cấp cứu. 3 học sinh khác (nhẹ hơn) được chăm sóc, theo dõi tại trạm y tế của trường.

Kết quả thăm khám ban đầu cho thấy, 5 học sinh này có những biểu hiện bị ngộ độc cần sa. Cũng theo điều tra của cảnh sát, buổi trưa hôm xảy ra sự việc, 5 học sinh trên có mua bánh của một bạn nữ trong trường. Nghi can thừa nhận đúng là đã bán bánh brownie tẩm cần sa cho các bạn học, với giá 3 đôla/1 cái hay 5 đôla/2 cái. Hiện, cô gái này đã bị đưa tới một trung tâm tạm giữ thiếu nhi phạm pháp California.

Trên thực tế, những vụ ngộ độc bánh ngọt tẩm cần sa và bắt giữ đối tượng đã bán loại bánh này cho lứa tuổi thanh thiếu niên không phải là mới ở California.

Trước đó vào tháng 5 vừa qua, tiểu bang California cáo buộc Isaac Greer (33 tuổi, sống tại Costa Mesa) đã bán bánh ngọt brownie tẩm cần sa cho một số thiếu niên. 3 năm tù giam là mức án dành cho Isaac Greer.  

“Bánh điên” nguy hiểm

Thực chất, “nguyên liệu” để làm bánh brownie (một loại bánh ngọt phổ biến ở châu Âu) là gồm phần búp của cây cần sa (còn gọi là pin, cỏ) xay nhuyễn rồi trộn với bơ. Hỗn hợp này tiếp tục được trộn với bột mì, trái cây khô, sôcôla… rồi nướng, trông rất ngon mắt. Khi ăn, chất ma túy sẽ ngấm nhanh vào máu khiến cho người sử dụng có cảm giác “phê”, đầu óc được giải phóng…

Đặc biệt, tác dụng phụ của loại ma túy này là khiến cho người sử dụng dễ buồn ngủ, chỉ thích nằm (ngồi) một chỗ và… cười. Chính vì thế mà nó còn có tên là “bánh lười” (hay “lazy cakes”). Dưới cái mác bánh ngọt, ưu điểm của nó là dễ sử dụng, và rất dễ “qua mặt” các vị phụ huynh khó tính. 

Nhưng trên thực tế, bánh brownie đã được các bác sĩ đưa ra nhiều khuyến cáo về tác hại đối với sức khỏe của con người. Theo đó, thành phần chính của bánh là cỏ, có chứa chất melatonin. Trong khi đó, melatonin là một thần kinh nội tiết tố được sản xuất trong cơ thể và giúp con người dễ ngủ hơn. Nhưng số lượng melatonin trong bánh brownie thường nhiều gấp đôi so với số lượng được đề nghị cho sử dụng để giúp những người bị mất ngủ. Quá nhiều melatonin có thể gây suy hô hấp tạm thời và khiến cho người dùng lâm vào trạng thái mê man. Melatonin cũng có thể gây ra các biến chứng như: tăng huyết áp đột ngột, kích động hệ thần kinh, đông máu nội mạch.

Mặc dù trên mỗi chiếc bánh đều có hướng dẫn sử dụng là “chỉ dành cho người lớn” (trên 18 tuổi), song vẫn khó có thể ngăn được lứa tuổi học sinh trung học sử dụng. Các bác sĩ cũng khuyến cáo bánh brownie là một loại bánh có chứa chất gây nghiện nguy hiểm phải được giám sát chặt chẽ bởi người lớn, vì khi cơ thể hấp thu quá nhiều melatonin có thể gây tử vong. Ước tính một chiếc bánh brownie có chứa hàm lượng melatonin gấp cả chục lần so với lượng melatonin được sản xuất trong cơ thể của một người.