Ngộ độc Methanol tàn phá cơ thể "kinh khủng" thế nào?

ANTD.VN - Suy thận, chức năng tuần hoàn bị rối loạn, hại gan, mù lòa thậm chí có thể dẫn đến tử vong là những tác hại mà ngộ độc Methanol gây ra. Nguy hiểm là vậy, thế nhưng nhiều người vẫn chưa ý thức được tác hại của Methanol đối với sức khỏe con người, người uống thì vẫn nhiệt tình nâng ly, người sản xuất thì vì lợi nhuận… Để rồi dẫn đến những vụ việc thương tâm, những ca ngộ độc vì Methanol ngày càng tăng. 

Methanol còn tên khác như carbinol, hydroxymethane, methyl alcohol, alcohol gỗ, naphtha gỗ, methyl hydrate, methyl hydroxide, methylic alcohol, methylol, wood alcohol.

Methanol tức rượu methyl, là một chất cồn, có công thức hóa học là CH3OH (viết tắt MeOH), là loại rượu đơn giản nhất, nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy, dễ tan trong nước, một chất lỏng với một mùi đặc trưng, nhưng hơi ngọt hơn ethanol (rượu uống).

Đối với người bình thường, chỉ cần uống phải từ 5 - 15ml Methanol có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên là gây mù loà, 30ml có thể gây tử vong.

Methanol gây độc cho cơ thể thế nào?

Theo thông tin trên báo Tổ quốc, Methanol dễ dàng được hấp thu qua ruột, da, phổi của người. Sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 - 60 phút. Hóa chất này được phân bố rộng rãi vào các chất dịch của cơ thể với thể tích phân phối là 0,6 lít/kg, được chuyển hóa chậm và thất thường ở gan. Khoảng 3% lượng methanol đưa vào cơ thể được đào thải qua phổi hoặc đào thải nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu.

Ngộ độc Methanol tàn phá cơ thể "kinh khủng" thế nào? ảnh 1 

Methanol là chất có độc khi đưa vào cơ thể có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

Bản thân methanol là một chất có độc tính thấp nhưng sau khi được đưa vào cơ thể, methanol được ôxy hóa tạo nên formaldehyde, chất này lại tiếp tục được ôxy hóa tạo nên acid formic (hoặc formate, tùy theo độ PH). Cuối cùng, acid formic được chuyển hóa thành CO2 và nước, hai chất này được thải qua phổi và thận. Quá trình ôxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh.

Sự tích tụ của acid formic trong huyết thanh gây nên tình trạng toan chuyển hóa. Sự chuyển hóa methanol và tích tụ acid formic bên trong võng mạc mắt gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa.

Methanol có nhiệt độ bốc hơi thấp hơn rượu. Người làm rượu thường cho loại cồn khô này vào khi chưng cất, khi pha rượu (từ cồn) hay chế rượu thuốc để làm cho rượu chóng ra hơn, dậy mùi hơn, mà không biết làm thế là đưa chất độc methanol vào rượu. Methanol không phải là loại thực phẩm, vì vậy, việc sử dụng các loại rượu có nồng độ methanol vượt mức quy định (ngưỡng cho phép là <0,1%, nghĩa là trong 1.000ml rượu chỉ có dưới 1ml methanol) có thể gây ngộ độc methanol.

Methanol tàn phá cơ thể “kinh khủng” thế nào?

Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội, khi người uống bị ngộ độc Ethanol sẽ khiến các hoạt động của não bị giảm, gây mất ý thức và khó thở. Nếu bị ngộ độc cấp tính thì giai đoạn đầu người uống sẽ nói nhiều, vận động bị rối loạn, sau đó sẽ đến giai đoạn ức chế với biểu hiện phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, giãn mạch ngoại vi.

Bệnh nhân cấp cứu vì ngộ độc Methanol

Đối với những người uống rượu chứa Ethanol trong thời gian dài có thể bị ngộ độc mạn tính dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da xanh do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan và có thể ung thư gan, gây mất trí nhớ, rối loạn tâm thần.

Ngoài Ethanol, ngộ độc cồn Methanol nguy hiểm và cấp độ tổn thương cơ thể cao gấp nhiều lần. Các trường hợp ngộ độc rượu Methanol đã được phát hiện, nhiều bệnh nhân ngộ độc nặng lâm vào tình trạng nguy kịch vì mua phải loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ và không nhãn mác.

Cồn Methanol được sử dụng trong công nghiệp hóa chất cũng như trong các hoạt động của đời sống. Cồn Methanol có thể gây ngộ độc do uống nhầm hoặc pha chế rượu uống từ cồn công nghiệp. Đây là loại chất rất độc vì chúng thải trừ chậm, khi bị oxy hóa sẽ chuyển thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Trong đó, Formol là chất tẩy khuẩn mạnh, dùng trong công nghiệp thường được pha loãng để tẩy uế dụng cụ, mặt đất và môi trường bị nhiễm khuẩn, nấm mốc. Còn axit Formic thường xuất hiện trong nọc độc của các loài ong và kiến. Chính những chất này sẽ gây độc cho gan và thận gây suy thận cấp, gan nhiễm độc. Đối với người bình thường, chỉ cần uống phải từ 5 - 15ml Methanol có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên là gây mù loà, 30ml có thể gây tử vong. Điều đáng nói, nguy cơ ngộ độc Methanol rất cao bởi nhiều cơ sở sản xuất sử dụng lại cồn này để pha chế vì giá rẻ, khó phát hiện và dễ pha chế.

Các triệu chứng của ngộ độc Methanol

Dấu hiệu đầu tiên của ngộ độc methanol khó phân biệt với chứng say rượu thông thường. Có thể có các triệu chứng nhẹ trong vòng chừng một tiếng sau khi uống như nôn mửa, đau dạ dày, tương tự như ngộ độc rượu.

Sau chừng 12-24 tiếng, các triệu chứng rõ ràng hơn xuất hiện như đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mắt mờ. Đây là khoảng thời gian rất nguy hiểm vì thường mọi người đã đi ngủ, bỏ mặc các dấu hiệu này và chẩn đoán bệnh chậm trễ.

Nếu mắt đã mờ đến mức khó có thể nhìn vào ánh sáng chói, đây đã là lúc nguy hiểm cần cấp cứu gấp.

Nếu cảm thấy có những triệu chứng bất thường sau khi uống rượu, mọi người nên lập tức khi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ có thể chữa ngộ độc methanol bằng ethanol ngăn chặn quá trình hình thành acid formic. Họ cũng có thể sử dụng các loại thuốc như fomepizole ức chế methanol chuyển thành các độc chất vào cơ thể, hemodialysis làm sạch methanol trong máu…

Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính bản thân mình, mỗi người dân nên có sự nhận thức rõ ràng hơn khi mua và sử dụng rượu, đặc biệt những loại rượu không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất rượu cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh, tiêu dùng rượu, tuyệt đối không mua bán các loại rượu không rõ nguồn gốc trên thị trường.