Nghìn lẻ chuyện "môn đăng hộ đối"

ANTĐ - Dựng vợ gả chồng cho con về nhà giàu (nghèo) liệu con có được hạnh phúc? Mối quan hệ giữa vợ - chồng, bố mẹ - con cái và cách ứng xử giữa hai bên thông gia sao cho vẹn toàn?

Thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân của đôi trẻ nhiều ông bố, bà mẹ vẫn còn băn khoăn, trăn trở với những câu hỏi kiểu như trên.

Chênh lệch lại thành “đôi lứa xứng đôi”

Hoài, 25 tuổi là con gái cưng của gia đình khá giả ở đất Hà thành. Bố làm giám đốc, mẹ công tác tại ngân hàng. Tốt nghiệp đại học loại ưu, Hoài được tuyển dụng vào vị trí PR cho một tập đoàn lớn. Mọi chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như không có chuyện Hoài yêu Hiếu - một chàng trai vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, gia cảnh khó khăn. Bố mất sớm. Ngay từ nhỏ, Hiếu cùng mẹ gánh vác việc nhà và chăm lo cho 2 đứa em. Dù gia đình khó khăn nhưng Hiếu luôn đạt những thành tích cao trong học tập: Tốt nghiệp thủ khoa trường đại học Bách khoa, kết nạp Đảng khi còn là sinh viên năm thứ 3. Hiếu nhận được rất nhiều lời mời của các công ty lớn khi mới tốt nghiệp.

Xét về trình độ học vấn, sự nghiệp thì Hiếu và Hoài là một cặp đôi hoàn hảo nhưng xét về môn đăng hộ đối thì nhiều ý kiến bàn ra tán vào rằng Hiếu yêu Hoài là vì tiền và vì vô số... nhà. Thời gian đầu, người phản đối chuyện tình của đôi trẻ chính là mẹ Hoài. Vì dù thích hay không thích thì mẹ Hoài cũng nặng nề và có thành kiến giống như nhiều người bảo: "Thằng Hiếu chỉ lợi dụng con mình. Nó yêu tiền chứ yêu gì con gái mình!". Sau một thời gian, Hiếu qua lại chơi nhà Hoài, tiếp xúc và trò chuyện với bố mẹ Hoài nhiều hơn. Hiếu dần dần chiếm được tình cảm của bố mẹ người yêu bởi sự chân thành, chịu khó học hỏi và nỗ lực cố gắng của bản thân.

Hơn nữa Hoài luôn khẳng định với bố mẹ tình cảm và sự lựa chọn đúng đắn của cô nên dần dần bố mẹ Hoài cũng xiêu lòng. Sau 2 năm tìm hiểu chính thức, đám cưới được tổ chức theo đúng tục lệ của nhà trai ở vùng ngoại thành. Cưới xong bố mẹ vợ có ý để Hiếu về ở rể nhà ngoại bởi Hoài là con gái cưng duy nhất, căn hộ rộng 80m2 của họ thoải mái cho vợ chồng con cái sinh hoạt, nhà Hoài lại gần chỗ làm của cả hai vợ chồng nhưng Hiếu từ chối. Anh quyết định thuê một căn hộ nhỏ cách cơ quan vợ 4km.

Hiếu thuyết phục vợ và cả bố mẹ vợ: "Nhà xa chúng con sẽ phải cố gắng nhiều hơn. Có khó khăn gì chắc chắn chúng con sẽ nhờ đến bố mẹ" nghe vậy bố mẹ vợ cũng vui vẻ thuận theo ý của đôi trẻ. Hoài, ngoài tình yêu dành cho Hiếu thì còn cả sự nể phục. Bởi nhìn đám bạn lấy chồng giàu sang nhưng tối ngày kêu ca chuyện gia đình, tiền nong, Hoài thấy mình thật may mắn. Nhờ chồng mà Hoài cũng bỏ được thói quen tiêu tiền của bố mẹ. Nhà Hoài được cả hai bên nội, ngoại quan tâm nên gặp chuyện gì cũng xuôi.

Sau gần 10 năm chung sồng, có hai cô con gái thông minh, học hành giỏi giang, chị Nguyệt tự hào vì mình đã chọn được người chồng tuyệt vời. Trước đây, trong thâm tâm Nguyệt vẫn thường đắn đo và e ngại việc gia đình của Khôi rất nghèo. Bố mẹ Khôi là những người thuần nông chân chất. Nhà Khôi lại đông anh em. Mẹ Nguyệt bảo: "Mày mà lấy thằng Khôi để mà ăn ngô ăn khoai trừ bữa hả!". Bạn bè Nguyệt lại bảo: "Tỉnh đi, đồ ngốc. Thời buổi này làm gì còn một túp lều tranh 2 trái tim vàng nữa đâu!". Nhưng tình yêu đã giúp Nguyệt và Khôi vượt qua chính mình. Chính cái nghèo cái khó đã giúp Khôi nỗ lực cố gắng khi gánh trên vai trách nhiệm làm chồng làm cha.

Quen với cuộc sống khổ cực từ ngày nhỏ nên Khôi không ngại bất kể chuyện gì từ nhỏ đến lớn. Bất kể đồ đạc trong nhà có hỏng hóc gì anh cũng tự tay cặm cụi, mày mò sửa bằng được. Từ quạt điện hết dầu mỡ đến bình nóng lạnh hỏng, chữa xe đạp, thay dây phanh, vá săm lốp xe đạp cho các con. Thời gian Nguyệt gặp tai nạn phải nhập viện hơn 1 tháng, dù công việc cơ quan bận túi bụi thì Khôi vẫn sắp xếp bằng được thời gian tự mình chạy đi chạy lại chăm sóc vợ. Mẹ chồng bỏ cả ruộng vườn tới viện tận tình chăm sóc Nguyệt. Nguyệt là con gái út trong gia đình nên chuyện bếp núc có phần kém hơn nhưng mẹ Khôi không chê con dâu vụng. Nhiều bận mẹ đẻ Nguyệt gọi điện hỏi thăm và mong bà thông gia hiểu và bảo ban con nhiều hơn. Mẹ Khôi cười xoà: "Ngay từ ngày về làm dâu, tôi đã coi cái Nguyệt là con gái rồi. Bà cứ an tâm".

“Môn đăng hộ đối” vẫn chênh

Chuyện Huyền - cô con gái giỏi giang, xinh đẹp của bà Chúc, kết hôn với Văn - thiếu gia của một gia đình giàu nhất nhì đất Hà thành không làm họ hàng hai bên phải ngạc nhiên hay bất ngờ. Bởi, mọi người trong khu phố từ lâu đã biết bà Chúc vốn nổi tiếng là người thực dụng, nhiều lần nói chuyện với hàng xóm bà Chúc tuyên bố sẽ chỉ gả con gái cho gia đình nhà nào "môn đăng hộ đối" mà bà thấy thật xứng đáng với gia đình bà. Quả thực, gia đình Văn không chỉ lắm tiền nhiều của mà còn có thế lực. Bố Văn là giám đốc công ty đầu tư xây dựng lớn nhất thành phố. 25 tuổi, Văn trở thành thiếu gia đã công thành danh toại. Văn quản lý 5 toà nhà cho thuê trong thành phố và 2 khu nghỉ dưỡng ở ngoại thành.

Gia đình của Văn từ lâu đã được đưa vào tầm ngắm của bà Chúc dù thời điểm đó Huyền cũng đã 2-3 chàng "môn đăng hộ đối" tìm hiểu. Nhưng bà Chúc vẫn chủ động đánh tiếng và tìm cách tiếp cận gia đình Văn và bà muốn Văn sẽ là chàng rể của gia đình. Tiệc cưới của Văn và Huyền được tổ chức linh đình ở khách sạn sang trọng bậc nhất Hà thành. Nhiều người cũng phải thốt lên những lời ghen tỵ với Huyền. Ngay trong lễ thành hôn, bố mẹ chồng tuyến bố tặng cho vợ chồng Huyền một sổ tiết kiệm một tỷ đồng. Ngay sau ngày cưới, Huyền đã được bố mẹ chồng mua tặng cho một chiếc xe SH ngoại để đi làm. Hiểu ý đôi vợ chồng trẻ muốn ra ở riêng cho tự do thoải mái, bố mẹ chồng Huyền mua tặng cho hai vợ chồng căn hộ chung cư cao cấp với đầy đủ tiện nghi.

Bà Chúc mừng cho cô con gái được gả vào nơi danh giá đúng ý nguyện của bà. Thu nhập của hai vợ chồng vào loại khá, lại không phải lo lắng chuyện sắm sửa đồ đạc, nhà cửa nên tha hồ mà tiêu xài. Một năm sau, Huyền sinh cậu con trai đầu lòng, bụ bẫm kháu khỉnh. Sự chu cấp tới từng centimet cho hai vợ chồng từ ông bà nội lại tăng lên gấp bội. Tiền sữa, bỉm, tiền thuê ô sin cũng do mẹ chồng Huyền chi trả. Ngặt một nỗi, chuyện Huyền muốn về nhà mẹ đẻ chơi thì rất hạn chế. Một phần vì chồng Huyền bận chuyện làm ăn nhưng phần vì mẹ chồng Huyền hay chì chiết mỗi khi Huyền xin phép về bên nhà để chơi.

Thỉnh thoảng bà Chúc sang thăm cháu, bà mang theo đầy đồ hoa quả, bánh kẹo và sữa cho con gái và cháu ngoại tẩm bổ thì mẹ chồng Huyền thay vì cất vào tủ lạnh thì bà đem vứt vào sọt rác vì cho rằng những thứ ấy không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Làm thông gia với nhà giàu tưởng là sướng nhưng bà Chúc đâu có ngờ họ lại "khinh" và coi thường gia đình mình. Nhà gần mẹ đẻ nhưng chuyện Huyền muốn về chơi với mẹ là một bài toán khó cho cả hai mẹ con Huyền. Bà Chúc những tưởng được làm thông gia với gia đình giàu có thì sẽ được mát mặt.

Nhưng từ ngày làm thông gia, bà Chúc có vẻ lép vế hơn rất nhiều. Nếu gia đình bà Chúc không đến thăm thì chẳng bao giờ nhà ông thông gia ghé qua chơi nhà bà. Lúc đầu, Huyền nín nhịn, nhưng dần dần, Huyền tự ý về nhà ngoại những ngày cuối tuần. Mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu nhen nhóm và ngày càng mạnh mẽ. Văn không những không hiểu vợ lại vào hùa với mẹ nên vợ chồng thường xuyên xích mích. Nhiều khi Huyền đã nghĩ tới chuyện ly hôn để được thoải mái hơn.

Sinh ra trong một gia đình cũng có điều kiện, khi lấy Tuấn, Hồng luôn cho rằng số cô sướng bởi Tuấn là con một trong một gia đình "nhà mặt phố, bố làm to". Cưới xong, bố mẹ chồng đã chuẩn bị sẵn cho đôi trẻ nhà cao cửa rộng. Con gái đầu lòng được ông bà nội chăm sóc, chu cấp từng ly từng tý. Tương lai được thừa hưởng ngôi biệt thự ở Tây Hồ. Ai cũng nghĩ Hồng sung sướng, nhưng "ở trong chăn mới biết chăn có rận", nhiều bận Hồng tâm sự với cô bạn thân: "Nhà chồng tao giàu nhưng quan cách lắm". Mẹ chồng thì bắt ne bắt nẹt đủ mọi thứ.

Từ chuyện vợ chồng Hồng ăn uống, ngủ nghỉ như thế nào đến chuyện cho con học trường gì ông bà cũng cùng vào cuộc. Đặc biệt là, mỗi lần mua biếu ông, bà đồ gì cũng phải nghĩ nát óc mới dám mua. Lương công chức của hai vợ chồng cũng chỉ đủ chi tiêu hàng ngày, nhiều lúc chẳng dám tiêu hoang nhưng hễ vợ chồng đến thăm ông bà mà không mua biếu hoa quả loại xịn thì ông bà sẽ mang cho hàng xóm. Đặc biệt vào dịp tổ chức sinh nhật cho con gái, ông bà ngoại mua tặng cháu bộ quần áo mới nhưng mẹ và cô em chồng bóng gió gần xa "Chất vải này không mát, không phải là hàng hiệu thì phải?”.

Bố mẹ Hồng cũng nghỉ hưu nên thời gian rảnh bà lại sang nhà Hồng thăm con nhưng hễ sang chơi mà gặp bà thông gia ở đó là tình hình lại căng thẳng. Bà mẹ chồng nói bóng gió Hồng dấm dúi tiền của cho nhà ngoại. Hồng than thở: "Thà bố mẹ chồng chẳng cho gì để mình biết tự lập có khi còn tốt hơn. Mang tiếng là có nhà ở nhưng có khác nào ở nhờ đâu. Nhiều lúc mình cũng tính chuyện thuê nhà ở riêng cho yên ổn, nhẹ nhõm nhưng chồng quen sống dựa vào bố mẹ rồi nên không dám quyết".

Nhiều lần Hồng doạ ly hôn vì thái độ của mẹ chồng. Nhiều khi mẹ chồng nhiếc móc Hồng là ăn bám khiến cô tức phát bệnh. Gia đình chồng giàu có, một nền tảng kinh tế vững chắc sẽ là một thuận lợi, một niềm vui nhân đôi của các cặp vợ chồng khi kết hôn. Những điều kiện ấy, giúp vợ chồng vững bước hơn trong công việc và gây dựng cuộc sống tương lai, hạnh phúc cho tổ ấm của mình. Nhưng bám hoàn toàn vào cái "phao" sẽ rất khó có thể tự lập, tự chủ hơn trong cuộc sống. Thế mới biết, đâu cứ phải "môn đăng hộ đối" là bảo đảm vẹn toàn hạnh phúc?