Nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi bước đầu rất khả quan

ANTD.VN - Vaccine dịch tả lợn châu Phi được Học viện Nông nghiệp Việt Nam bước đầu khảo nghiệm trong phòng thí nghiệm có kết quả rất tích cực. 

Nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi đang đi đúng hướng

Sáng nay (2-7), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã họp bàn về một số kết quả bước đầu nghiên cứu vaccine, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Ông Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 61 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số lợn phải tiêu huỷ là trên 2,9 triệu con, chiếm hơn 10% tổng đàn lợn của cả nước. Nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát trong thời gian tới vẫn rất cao, đe doạ tới ngành chăn nuôi. 

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, thời gian qua, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu vaccine và bước đầu đã có kết quả nhất định, phân lập được virus, làm tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất vaccine trong thời gian tới. Đáng chú ý, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra được vaccine bước đầu khảo nghiệm trong phòng thí nghiệm có kết quả rất tích cực.

Thông tin cụ thể về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đề tài nghiên cứu vaccine vô hoạt bước đầu đã thành công trong phòng thí nghiệm. Trong khi thử độc lực virus trên lợn thì đã chọn ra được 3 chủng virus dịch tả lợn châu Phi có độc lực cao; Xác định được cơ chế sinh bệnh, sự phân bố của virus. 

Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành  thử nghiệm tại 3 trại lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi thuộc 3 hộ gia đình khác nhau ở Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình. Kết quả cho thấy, toàn bộ 16/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình này đều sống khoẻ mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khoẻ mạnh. Trong khi những con lợn không được tiêm vaccine thì đều chết do bênh dịch tả lợn châu Phi. 

Đánh giá về độ an toàn của vắc xin, bà Nguyễn Thị Lan cho biết, vaccine an toàn đối với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng (có 83,3% lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên). 

“Tuy nhiên, với loại vaccine vô hoạt đã sản xuất ra, cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thêm trên diện rộng hơn”- Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương- quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT, việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic trong thức ăn chăn nuôi kết hợp với biện pháp an toàn sinh học là giải pháp có thể hạn chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi đối với các cơ sở chăn nuôi hiện nay.