Nghiêm cấm việc tự ý lắp đặt công trình, đảo nhân tạo trong vùng biển Việt Nam

ANTĐ - Gây phương hại hoặc đe dọa gây phương hại đến chủ quyền và an ninh của nước CHXHCN Việt Nam; Tự ý đưa giàn di động vào hoạt động, lắp đặt thiết bị, công trình, đảo nhân tạo trong vùng biển Việt Nam khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền...là những hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.

Mở đầu phiên họp sáng 3-6, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam. Dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về tàu biển, bắt giữ tàu biển, thuyền viên, cảng biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và bảo vệ môi trường, hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đại lý tàu biển...

Phiên họp Quốc hội sáng 3-6

Đặc biệt, dự thảo bổ sung chương mới quy định chi tiết các trường hợp được bắt giữ tàu biển, thẩm quyền và trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển. Dự thảo cũng xác định, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng hải nhằm bảo đảm an toàn hàng hải trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo, như: Gây phương hại hoặc đe dọa gây phương hại đến chủ quyền và an ninh của nước CHXHCN Việt Nam; Cướp biển hoặc có hành vi bất hợp pháp chống lại hoạt động hàng hải; Ngăn chặn, cản trở quyền tự do hành hải trên biển; Tự ý đưa giàn di động vào hoạt động, lắp đặt thiết bị, công trình, đảo nhân tạo trong vùng biển Việt Nam khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định...

Tiếp theo, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) và tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) phát biểu

ĐB Danh Út (Kiên Giang), tán thành quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia, song cho rằng quy định tối thiểu về số ĐBQH, ĐBHĐND bằng 1 con số cố định là thiếu khả thi. Bên cạnh đó, tỷ lệ dự kiến số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH lần lượt là 18%, 35 % tổng số người ứng cử ĐBQH còn thấp. Do vậy, ĐB Danh Út đề nghị nâng lên thành 20% tổng số người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số, 38%  tổng số người ứng cử ĐBQH là phụ nữ. Về các hành vi bị cấm, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “cấm vận động bầu cử trái pháp luật”.

Còn theo ĐB Siu Hương (Gia Lai), nhằm bảo đảm tính công khai minh bạch dân chủ, đề nghị xem xét lại quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo của tổ bầu cử. Thời gian giải quyết khiếu nại tố cáo của các tổ phụ trách bầu cử cũng cần được quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

 Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (ĐBQH Hà Nội) phát biểu, về tổ chức công tác thông tin tuyên truyền vận động bầu cử đề nghị bổ sung thêm “ban bầu cử”, đồng thời cho rằng nếu cho phép tự vận động bầu cử sẽ làm mất tính công bằng trong bầu cử.