Nghiêm cấm đưa, nhận hối lộ trong hoạt động kiến trúc

ANTD.VN - Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua gồm 5 chương, 41 điều, quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Chiều 13-6-2019, với 88,64% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 và chọn ngày 25-4 hằng năm là Ngày kiến trúc Việt Nam.

Luật Kiến trúc quy định 9 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc, trong đó bao gồm: Cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc; Lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, trật tự xã hội, môi trường sống, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

88,64% tổng số đại biểu tán thành thông qua Luật Kiến trúc

Nghiêm cấm đưa, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc; Tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước; Xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng...

Về điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc, luật quy định UBND cấp tỉnh xem xét, tổ chức rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy chế quản lý kiến trúc định kỳ 5 năm hoặc đột xuất để xem xét điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc. Nội dung rà soát, đánh giá quy chế quản lý kiến trúc được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Về quản lý công trình kiến trúc có giá trị, luật quy định công trình kiến trúc có giá trị đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. 

Công trình kiến trúc có giá trị không thuộc quy định trên được UBND cấp tỉnh rà soát, đánh giá hằng năm, lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị để tổ chức quản lý.

Chủ sở hữu, người sử dụng công trình kiến trúc thuộc danh mục công trình kiến trúc có giá trị được thụ hưởng lợi ích từ việc bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và khai thác công trình, song không được tự ý thay đổi hình thức kiến trúc bên ngoài, kết cấu và khuôn viên của công trình.

Luật cũng quy định trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình kiến trúc có giá trị chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về kiến trúc; nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới về kiến trúc...