Nghịch lý "vàng đen"

ANTD.VN - Trong khi lượng tồn kho còn rất lớn thì mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn than. Dự báo lượng than nhập khẩu còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Điều này khiến không ít người ngạc nhiên bởi lâu nay Việt Nam nằm ở vị thế là quốc gia xuất khẩu than.

Tồn kho lớn vẫn phải nhập khẩu

Năm 2014, lần đầu tiên 41.500 tấn than nhập khẩu từ Nga cập cảng Hòn Nét (Quảng Ninh). Tiếp theo đó, lượng than nhập khẩu liên tục gia tăng. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến 15-9-2016, tổng lượng than nhập khẩu đạt 10,1 triệu tấn với kim ngạch 629,5 triệu USD. Như vậy, nhập khẩu than hiện đã “vỡ kế hoạch” 7 triệu tấn so mốc dự báo 3,1 triệu tấn do Bộ Công Thương đưa ra đầu năm 2016.

Đáng chú ý, sản lượng than nhập khẩu đã tăng tới hơn 173% so với cùng kỳ năm ngoái và trị giá kim ngạch tăng gần 97%. Xét về thị trường nhập khẩu, 3 quốc gia cung ứng than nhiều nhất cho Việt Nam là Nga, Trung Quốc và Indonesia.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, từ nay đến năm 2030, lượng than nhập khẩu sẽ liên tục tăng qua từng năm. Cụ thể, năm 2017 là 11,71 triệu tấn, năm 2018 là 20,972 triệu tấn, năm 2020 là 40,256 triệu tấn… và năm 2025 là 70,331 triệu tấn, năm 2030 sẽ vượt con số 100 triệu tấn. Nguyên nhân là do cả nước hiện có 19 nhà máy nhiệt điện than, con số này sẽ tăng lên 52 vào năm 2030, nên số lượng than cần nhập khẩu sẽ ngày càng tăng. 

Tuy nhiên, điều khiến không ít người ngạc nhiên là mặc dù đang gia tăng nhập khẩu như số liệu phân tích ở trên nhưng Việt Nam lại cũng đang tồn kho khoảng 12 triệu tấn. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tồn kho 11 triệu tấn. Nếu trừ đi lượng tồn kho theo định mức bắt buộc khoảng 3-4 triệu tấn thì tồn kho hiện nay khoảng 8 triệu tấn.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Việt Nam (Bộ Công Thương) cho biết: “Than là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, than xuất khẩu thời gian vừa qua chủ yếu là than trong nước chưa sử dụng hết hoặc chưa sử dụng. Hàng năm, Bộ Công Thương trên cơ sở tính toán cung cầu, đáp ứng tối đa sử dụng trong nước, còn lại báo cáo Chính phủ xuất khẩu”.

Về việc nhập khẩu than tăng nhanh, ông Nguyễn Khắc Thọ lý giải do nguồn than trong nước không đáp ứng được và giá than nhập khẩu rẻ hơn giá than khai thác trong nước. Nguyên nhân giá than trong nước cao hơn do kỹ thuật khai thác than, đa số mỏ khai thác ở dưới sâu, thậm chí âm 300m so với mực nước biển, chi phí khai thác mỏ lộ thiên với hệ số bóc đất đã tăng gấp 3 lần làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản xuất than trong nước.

Than trong nước cũng chịu tác động bất lợi từ cơ chế chính sách về thuế như 1-7-2016, Thuế Tài nguyên môi trường tăng trung bình 3 lần nếu tính tiền cấp quyền khai thác, bản chất cũng là thuế tài nguyên tăng hơn 10%, cao hơn mức trung bình 7%.

“Trong khi đó, thời gian vừa qua giá than tại nhiều thị trường lại giảm, đây là yếu tố vì sao nhập khẩu than lớn trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, thời điểm gần đây giá than nhập khẩu đã tăng so với 6 tháng đầu năm và đã dần tiệm cận giá than sản xuất, thời gian tới có thể ngang giá than sản xuất” - ông Nguyễn Khắc Thọ nhấn mạnh - “Con số than nhập khẩu lên đến 10,1 triệu tấn không hoàn toàn là “vỡ trận” mà vẫn dựa theo nhu cầu phục vụ sản xuất trong nước. Ngoài nhu cầu than 3 triệu tấn như dự báo hồi đầu năm của Bộ Công Thương, còn cần tính tới nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện BOT, các nhà máy đã nhập khẩu than trước đây như Formosa Đồng Nai cũng như nhu cầu từ sản xuất xi măng, hoá chất, phân bón, luyện kim… Theo đó, khối lượng than phải nhập có thể lên đến 8 triệu tấn”.

Trực tiếp ảnh hưởng đến người lao động

Đánh giá về tác động của việc nhập khẩu 10,1 triệu tấn than trong 9 tháng vừa qua, ông Nguyễn Khắc Thọ cho rằng, việc nhập khẩu số lượng lớn than sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đầu tư, mở rộng của TKV, ảnh hưởng đến việc thu hút lao động dẫn đến việc khó khăn lúc cần gia tăng sản lượng sau này khi thị trường phục hồi.

“Ảnh hưởng này chỉ trong ngắn hạn bởi thực tế giá than trên thị trường thế giới đang trên đà tăng trở lại và tiệm cận dần với giá sản xuất than trong nước. Đồng thời, mặc dù trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng TKV vẫn đang đầu tư, mở rộng các mỏ than mới để đạt mục tiêu như quy hoạch ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Nguyễn Khắc Thọ phân tích.

Nhìn nhận về khía cạnh khác của việc nhập khẩu than, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Việt Nam cho rằng, muốn bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia phải đáp ứng đủ, ổn định và có tính lâu dài về nguồn cung than cho các nhà máy nhiệt điện cũng như các hộ tiêu dùng khác. Với các nhà máy nhiệt điện than, thời gian tồn tại của một nhà máy khoảng 20-25 năm nên việc thu xếp nguồn than ổn định bảo đảm duy trì hoạt động của nhà máy là một thách thức đối với ngành than. 

“Về mặt lý thuyết, nếu ta nhập khẩu được than giá rẻ tức là đã tăng nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho đất nước, chưa kể nếu đó là nguồn cung dài hạn sẽ là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, trên cơ sở cân đối cung cầu thì những năm tới, ta sẽ phải nhập khẩu than cho nhiệt điện cũng như các hộ tiêu thụ với khối lượng không nhỏ. Cụ thể, năm 2017 dự kiến phải nhập khẩu 4 triệu tấn than cho nhiệt điện và đến năm 2030 sẽ là 7 triệu tấn".

"Ngành than vừa phải đối diện với thách thức này vừa phải bảo đảm thực hiện như trong quy hoạch điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, tôi cho rằng việc nhập khẩu số lượng than vừa qua có tác động nhưng tác động không lớn tới việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”, ông Nguyễn Khắc Thọ nói. 

Về phía Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc TKV chia sẻ, ngành than đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây. Dự kiến cả năm nay sản lượng than giảm khoảng 3 triệu tấn so với năm 2015, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động cũng như những ngành nghề liên quan đến địa bàn.

“Từ nay đến năm 2020, TKV đã xác định 2 cụm nhà máy nhiệt điện sử dụng than antraxit là cụm Nhiệt điện Thái Bình và Nhiệt điện Vĩnh Tân I, mỗi cụm sử dụng khoảng 4,5 triệu tấn than. Như vậy, đến năm 2020, sản lượng của TKV cũng phải tăng thêm 9 triệu tấn mới đủ đáp ứng cho 2 nhà máy này. Chúng tôi đang xây dựng thêm mỏ mới để đáp ứng đủ than cho nền kinh tế”, ông Nguyễn Văn Biên cho hay.

Liên quan đến ý kiến cho rằng, xu hướng nhập khẩu than thay thế dần nguồn than trong nước là cần thiết để vừa bảo đảm nhu cầu năng lượng, vừa hạn chế khai thác cạn kiệt tài nguyên quốc gia, vừa giảm bớt thế độc quyền của TKV bấy lâu nay, ông Nguyễn Khắc Thọ cho rằng, quan niệm này không sai nhưng trong dài hạn là không phù hợp.

“Hiện có những quốc gia có ngành công nghiệp than xuất khẩu nhiều là Australia và Indonesia, trong khi đó các nước có nhu cầu sử dụng than lớn như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc đang tiến hành mua và đầu tư các mỏ than tại đây để có hợp đồng dài hạn, bảo đảm nguồn cung. Vì vậy, việc nhập khẩu than từ các quốc gia này tương đối khó khăn".

"Chính phủ cũng đã xác định tăng cường nhập khẩu than để bù cho nguồn than trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ chứ không có định hướng là tăng cường nhập khẩu than để thay thế nguồn than trong nước. Mặt khác, xét về khía cạnh sử dụng, hiện than chúng ta đang khai thác là than antraxit, 80% lượng than này cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện không thể chuyển đổi sang than loại khác được. Vì vậy, xét về nguồn nguyên liệu và công nghệ sử dụng thì việc nhập khẩu than để thay thế hoàn toàn than trong nước không khả thi”, ông Nguyễn Khắc Thọ cho hay.

Về việc xử lý lượng than tồn kho của TKV, ông Nguyễn Văn Biên cho biết, 9 tháng đầu năm có lượng than tồn kho tại miền Tây, Vàng Danh, Uông Bí chưa xuất được do đó cần nhập khẩu than chất bốc cao, lưu huỳnh thấp để có thể trộn và đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng. Theo đó, có thể tạo điều kiện chiết khấu, giảm giá cho khách hàng.

“Sai lầm của TKV là từ trước đến nay luôn sản xuất ra loại than mình có, chứ không phải sản xuất ra loại than thị trường cần. Loại than mà TKV tồn kho là loại than mà thị trường không cần. Đây là bài học nhãn tiền, không có quốc gia nào trên thế giới khai thác loại đó. Ở Việt Nam, hiện nay số lượng loại khách hàng lớn tiêu thụ than cũng chỉ từ 5-7 khách hàng. Vì vậy, chỉ có khoảng 5-7 loại than mà các đơn vị này cần nhưng TKV hiện nay sản xuất tới hàng trăm loại. Vấn đề ở đây chính là do lỗi quản lý Nhà nước đã ban hành quá nhiều tiêu chuẩn về than”. 

TS Nguyễn Thành Sơn,(nguyên Trưởng ban Chiến lược của TKV)

Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Việt Nam, Bộ Công Thương: “Con số than nhập khẩu lên đến 10,1 triệu tấn không hoàn toàn là “vỡ trận” mà vẫn dựa theo nhu cầu phục vụ sản xuất trong nước”.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: “Ngành than đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây. Dự kiến cả năm nay, sản lượng than giảm khoảng 3 triệu tấn so với năm 2015. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động cũng như những ngành nghề liên quan”.