Nghịch lý tại Nhật Bản: Quá nhiều cảnh sát, quá ít tội phạm

ANTD.VN - 5 cảnh sát đã tham gia quan sát một thùng bia trong một ô tô không chốt cửa tại một siêu thị ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. Cảnh sát đã mất gần 1 tuần trước khi bắt giữ được một người đàn ông trung niên tự tiện lấy bia. Thẩm phán phải ra quyết định giải tán phiên tòa, tuyên bố rằng đây là một cuộc giăng lưới tốn kém và không cần thiết. Đây là thực trạng diễn ra khá phổ biến tại quốc gia có tỷ lệ phạm tội thấp nhất thế giới này.  

 Nghịch lý tại Nhật Bản: Quá nhiều cảnh sát, quá ít tội phạm ảnh 1Thủ đô Tokyo, Nhật Bản là nơi có lực lượng cảnh sát đô thị lớn nhất thế giới

Tỷ lệ phạm tội cực thấp

Nhật Bản có tỷ lệ phạm tội giết người thuộc hàng thấp nhất thế giới, trung bình 0,3 trên 100.000 người. Số người chết vì súng hiếm khi vượt quá 10 người trong 1 năm. Tỷ lệ phạm tội đã giảm trong 14 năm liên tiếp. Trong 6 tháng cuối của năm 2018, tỉ lệ này đạt mốc kỷ lục so với năm trước đó, giảm dưới mức 1 triệu người lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.  

Hầu như thành phần phạm tội đang gia tăng là những người cao tuổi. Họ hiện chiếm 20% số các vụ bắt giữ và tạm giam. Với dân số ngày càng già đi, số tội phạm trên 65 tuổi tăng 4 lần so với 2 thập niên trước. Điều này dẫn đến tình trạng các trại giam tại Nhật Bản có nhu cầu cao về trợ giúp tù nhân trong việc đi lại, tắm rửa và cả vệ sinh.

“Tỷ lệ tái phạm thấp và hệ thống luật pháp Nhật Bản có nhiều nỗ lực giúp những tội phạm trẻ tránh khỏi vòng tù tội. Nhưng chính vì Nhật Bản an toàn như vậy, một số nhà nghiên cứu luật pháp cũng lo ngại hệ thống tạo điều kiện cho lạm dụng quyền lực. Với quá ít việc để làm, cảnh sát có lẽ sẽ bắt đầu tìm những thứ mới để áp đặt”. 

Giáo sư Colin Jones (Trường Đại học Doshisha, Kyoto, Nhật Bản)  

Chính phủ Nhật Bản đã phải bổ sung ngân sách để tuyển thêm nhân viên chăm sóc tại hơn một nửa số nhà giam tại quốc gia này. Tuy vậy, Nhật Bản vẫn duy trì một lực lượng cảnh sát đông hơn 15.000 người so với 10 năm trước, khi tỷ lệ phạm tội còn rất cao. Mật độ các sĩ quan cảnh sát trên dân số đặc biệt nổi bật tại Thủ đô Tokyo, nơi có lực lượng cảnh sát đô thị lớn nhất thế giới. 

“Vẽ việc” vì rảnh rỗi

Thực trạng như vậy đồng nghĩa với việc cảnh sát có sự chú ý cao hơn. Những vi phạm nhỏ lẻ về dùng thuốc kích thích được cảnh sát phân tích pháp y quá cặn kẽ. Một phụ nữ nói rằng 5 cảnh sát đã túm tụm trong căn phòng nhỏ hẹp của cô sau khi cô báo mất trộm quần lót phơi ngoài sân.

Giáo sư Luật Hình sự của trường Đại học Kyoto, Takayama Kanako cho rằng vì hết việc để làm, cảnh sát đang trở nên “sáng tạo” hơn trong việc điều tra hành vi phạm pháp. Bà Takayama Kanako cho biết, trong một vụ việc gần đây, cảnh sát đã bắt một nhóm người chia tiền thuê xe vì cho rằng xe đó là taxi sai phạm.

Năm 2018, nhiều người đã chỉ trích cảnh sát vùng Kyushu vì đã thực hiện một cuộc theo dõi lãng phí. Năm cảnh sát đã tham gia quan sát một thùng bia trong một ô tô không chốt cửa tại một siêu thị ở tỉnh Kagoshima - nơi xảy ra một loạt các vụ đánh cắp xe ô tô. Họ mất gần 1 tuần trước khi bắt giữ được một người đàn ông trung niên tự tiện lấy bia. Thẩm phán phải ra quyết định giải tán phiên tòa, tuyên bố rằng đây là một cuộc giăng lưới tốn kém và không cần thiết.  

Cảnh sát tỉnh Gifu cũng gặp tai tiếng khi tờ Asahi đăng tin họ đã theo dõi những người dân địa phương phản đối một dự án điện gió. Cảnh sát liên tục gọi cho Ban điều hành dự án trong hai năm 2013 và 2014 với những báo cáo tỉ mỉ về những người dân trên, đề cập rõ tuổi tác, học thức và y bạ. Cảnh sát tuy hoạt động như vậy nhưng đang gặp nhiều khó khăn hơn trong giải quyết các vụ án hình sự.

Tỉ lệ phát hiện phạm tội giảm tới mức dưới 30% vào năm 2013, cho thấy dù hành vi phạm tội đang khuynh hướng giảm thiểu, cảnh sát không làm tốt vai trò phá án của mình. “Sách trắng” thường niên của Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho thấy sự suy yếu của các mối quan hệ cộng đồng cũng như việc sử dụng rộng rãi điện thoại di động, Internet và các thiết bị công nghệ khác là nguyên nhân làm giảm thiểu tỷ lệ phát hiện tội phạm.