Nghịch lý phải trả bằng máu và nước mắt

ANTĐ - Tai nạn của Thanh Hằng và các đồng nghiệp là không thể cứu vãn. Nhưng hạn chế tối đa nó bằng việc tạo điều kiện tốt nhất cho VĐV tập luyện là điều hoàn toàn nằm trong khả năng của ngành thể thao.

Nói về việc “nữ hoàng điền kinh” Trương Thanh Hằng bị tai nạn khi đang tập luyện, lãnh đạo ngành thể thao thừa nhận nguyên nhân do điều kiện tập luyện hạn chế. Cụ thể, các quốc gia khác duy trì tập luyện tại các trung tâm thể thao đặt tại các vùng hẻo lánh nhằm giảm thiểu tối đa các sự cố giao thông. Trong khi ở ta, các trung tâm đều đặt tại các thành phố lớn, đông đúc.
Rõ ràng trường hợp của Hằng là đáng tiếc nhưng ít nhất cô vẫn có thể tập luyện và thi đấu trở lại bình thường, chứ không rơi vào thảm cảnh như nhiều đồng đội khác. Năm 1996, tay đua Huỳnh Kim Huỳnh từ nạn trên quốc lộ 13 (Bình Dương). Đô vật Nguyễn Thị Lụa bị chấn thương trong tập luyện chuẩn bị SEA Games 22, do không được chữa trị đến nơi đến chốn nên tàn phế cho đến nay. Hay trường hợp của Đỗ Xuân Tâm, nếu đội xe đạp “trang bị” bác sỹ theo cùng mỗi buổi tập, Tâm đã được cứu chữa kịp thời và không phải bỏ mạng nơi đồng không mông quạnh năm 2003. Tất cả đều đã quá muộn và không thể cứu vãn. 

Nghịch lý phải trả bằng máu và nước mắt ảnh 1

Tai nạn của Thanh Hằng khiến nhiều người choáng váng

Trở lại tai nạn kinh hoàng của Hằng, một lãnh đạo môn điền kinh từng chia sẻ với người viết về một trung tâm chuyên biệt cho môn điền kinh. Ở đó, sẽ có đầy đủ các dụng cụ tập luyện, sân bãi tốt nhất cho từng nội dung, các VĐV sẽ ăn ở và tập luyện trong trung tâm khép kín; hay một khu tập luyện chuyên biệt cho các cự ly trung bình và dài tại tỉnh miền núi phía Bắc chỉ với kinh phí vài tỷ đồng. Các ý tưởng đã đề xuất, nhưng đến nay chưa được duyệt với lý do kinh phí hạn hẹp.  

Nhưng cũng trong bối cảnh kinh tế khó khăn ấy, người ta vẫn thấy ngành thể thao xây dựng nhiều trung tâm thể thao “ngốn” hàng trăm tỷ đồng, chỉ để tổ chức một giải đấu rồi… để đấy. Cung điền kinh, SVĐ Mỹ Đình và nhiều công trình thể thao khác đều đang cảnh tiền thu không đủ tiền bảo trì, chưa nói có lãi. Rồi sắp tới sẽ còn bao công trình tương tự, nếu Việt Nam đăng cai thành công ASIAD 2019? Và liệu có quá bất công nếu đem so sánh với “ước mơ” trung tâm điền kinh chỉ vài tỷ đồng trên?

Tai nạn thương tâm của những Kim Hùng, Xuân Tâm, Nguyễn Thị Lụa hay Thanh Hằng mới đây là không thể cứu vãn. Nhưng hạn chế tối đa nó bằng việc tạo điều kiện tốt nhất cho VĐV tập luyện thì hoàn toàn có thể. Vấn đề là ngành thể thao có quyết tâm làm hay không thôi.