Nghịch lý những khoản chi "khó nói"

ANTD.VN - Câu chuyện các cơ quan công quyền “cắm quán” đến mức không có khả năng thanh toán một lần nữa lại khiến dư luận ngán ngẩm. Mới nhất, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương vừa có Tờ trình gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương xin hỗ trợ bổ sung 310 triệu đồng do đột xuất tiếp nhiều tỉnh đến trao đổi, học tập kinh nghiệm. 

Theo đơn vị này, thời gian vừa qua, do đột xuất có nhiều tỉnh đến thăm, trao đổi kinh nghiệm với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương, nên mặc dù đã cố gắng… tiết kiệm để trang trải chi phí nhưng do quá nhiều đoàn đến thăm vào một khoảng thời gian ngắn nên đơn vị không có đủ kinh phí đón tiếp. Vì thế, hiện nay Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương còn nợ số tiền là 310 triệu đồng mà không có nguồn để chi trả. 

Chuyện các cơ quan, chính quyền phải “ghi nợ” để tiếp khách đúng là đáng cười mà cũng thật đáng buồn, nhưng là chuyện không mới. Mới đây, một xã ở huyện Ba Vì, Hà Nội đã bị hàng loạt nhà hàng, quán xá xông đến trụ sở UBND xã để đòi nợ vì cán bộ ăn chơi mà không trả tiền. Chẳng những thế, họ còn nghĩ ra những chuyến đi “thực tế”, học hỏi kinh nghiệm ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) hay Cửa Lò (Nghệ An)… Tiếp đến ở Cà Mau, một chủ quán nhậu đòi đốt trụ sở UBND xã vì cán bộ nợ tiền tiếp khách lên đến gần 50 triệu đồng… Tình trạng chính quyền các địa phương bàn giao nhiệm kỳ trong tình trạng tài khoản rỗng, bội chi nghiêm trọng, trong đó có những khoản chi không biết đâu mà lần như đi thực tế học hỏi kinh nghiệm, tiếp khách… xảy ra phổ biến. 

Có thể nói, chi phí “tiếp khách” luôn là một khoản khó xác định và dễ biến tướng ở nhiều cơ quan công quyền. Nó có thể là cái gạch đầu dòng chi phí để gán ghép cho những khoản chi “khó nói”, thậm chí mang tính cá nhân, vô bổ của cán bộ như: rủ nhau đi ăn uống, hát hò, đi chơi, đi việc riêng… không biết ghi vào khoản gì, ghi “tiếp khách” là có lý nhất. Không ít nơi việc họp hành, thực tế, học hỏi kinh nghiệm chỉ là cái cớ để cán bộ đi ăn, đi chơi. Như vụ nhiều cán bộ sắp nghỉ hưu ở các cơ quan Nhà nước được đưa đi nước ngoài “học tập kinh nghiệm” thời gian qua chẳng hạn.

Không bàn đến chuyện khoản tiền tiếp khách ở Hải Dương là thật hay giả, vì theo như lời người đứng đầu cơ quan này, khoản tiền trên không có gì khuất tất hay tư túi cá nhân mà chỉ đơn giản là vì: “Nếu tiếp khách thì đương nhiên phải có kinh phí”. Nhưng điều đáng nói là chuyện nợ tiền tiếp khách rất phổ biến ở các địa phương hiện nay xuất phát từ một nền hành chính nặng tính quan hệ “làng xã, anh em”. Trong đó, những cuộc làm việc lẽ ra cần nhanh gọn, hiệu quả, thì có khi dềnh dàng, đem câu chuyện trên bàn giấy ra bàn nhậu cho “dễ nói chuyện”. Mà khách đến, chẳng nhẽ chủ không tiếp, có khi không thích cũng phải tiếp, vì phép lịch sự. Mình tiếp họ “đàng hoàng” thì khi mình đến, họ sẽ tiếp lại mình chu đáo. Cứ thế, chi phí tiếp khách trở thành thứ chi tiêu công lãng phí một cách “chính đáng”.