Nghịch lý giá vận tải

ANTĐ - Lâu nay, giá cước vận tải luôn được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều mặt hàng thiết yếu bị đội giá lên. 

Trước đây khi giá xăng tăng, ngay lập tức hàng loạt các dịch vụ hàng hoá, vận tải, ăn uống, công nghiệp, vật liệu xây dựng… lần lượt kêu khó và lập tức tăng giá, thậm chí có nhiều mặt hàng đã tăng giá gấp đôi, gấp ba. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, sau 9 lần giảm giá xăng, xăng giảm giá tổng cộng 4.250 đồng nhưng chi phí vận chuyển vẫn không thay đổi nên giá các mặt hàng đã tiếp tục đứng im. Giá cước vận tải không giảm theo đầu vào xăng dầu khiến mặt bằng giá cả vẫn giữ ở mức cao.

 Dư luận không thể lý giải nổi vì sao cước vận tải, taxi, giá hàng hóa bị thả nổi như hiện nay. Đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước như cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính, Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương hay Bộ Giao thông vận tải... lại chậm lên tiếng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mãi gần đây, Bộ Tài chính mới có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và UBND các địa phương đề nghị tăng cường quản lý về giá, làm rõ việc giá xăng đã giảm liên tục, nhưng vì sao cước vận tải vẫn giữ nguyên. Trong khi chờ sự phối hợp của các cơ quan chức năng, thì hàng ngày hàng giờ, khách hàng sử dụng các phương tiện vận tải vẫn phải chịu một mức giá bất hợp lý.

Người ta đưa ra rất nhiều lý do nào là quy trình thay đổi giá cước mất khá nhiều thời gian và tương đối phức tạp, phải trình Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính bảng giá cước mới và được sự chấp thuận, cho phép mới có thể áp dụng. Nào là giá xăng đang giảm ở mức kỷ lục, nhưng giá/phí một số đầu vào khác lại tăng, chẳng hạn phí cầu đường tăng vọt, giá các vật tư sửa chữa cũng không giảm… rồi việc hạn chế trọng tải xe cũng đẩy cước vận tải leo thang… Thực tế, là các doanh nghiệp taxi, doanh nghiệp vận tải đang nghe ngóng  lẫn nhau trước khi đưa ra các quyết định về giá cước. Không khó để nhận thấy trong những lần xăng tăng giá trước đây, các hãng taxi, vận tải rủ nhau tăng giá ngay, còn giờ xăng đã giảm giá tới lần thứ 9 họ vẫn không có động tĩnh gì. 

Rõ ràng, cơ quan Nhà nước cần dùng các công cụ quản lý Nhà nước có trong tay để chứng minh việc giá hàng hóa vẫn cao là phi lý và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước. Không thể biện minh bất cứ lý do gì cho việc không giảm giá cước vận tải trong khi giá xăng đã giảm tới 9 lần đến hơn 12%  trong thời gian qua.

Có lẽ cái cần lúc này là hành động cụ thể trong việc giảm giá cước và những mặt hàng liên quan chứ không phải những lời giải thích biện minh kiểu tiền, hậu bất nhất. Chờ đợi mãi, cuối cùng cũng được nghe đại diện một số hãng taxi tại TPHCM, Đà Nẵng cho biết, sẽ tiến hành điều chỉnh giảm giá cước taxi trong vài ngày tới với mức giảm từ 500 đến 2.000 đồng/km.

Vậy các đơn vị vận tải khác thì sao? Còn chờ đến bao giờ?