Nghịch lý đói nghèo ở nước giàu

ANTĐ - Vẫn được xem là những quốc gia phát triển giàu có trên thế giới song hiện xấp xỉ 1/4 người dân các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang phải sống trong nghèo đói hay nguy cơ rơi vào tình trạng này.

Nghịch lý đói nghèo ở nước giàu ảnh 1Những người thất nghiệp xin sữa miễn phí tại Thủ đô Athens của Hy Lạp

Ngày 4-11, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố báo cáo về tình trạng nghèo đói và phân biệt đối xử trong xã hội tại Liên minh châu Âu (EU) năm 2013 cho biết, hiện có khoảng 122,6 triệu người (tức 24,5% dân số) các nước thành viên EU có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói và bị phân biệt đối xử trong xã hội. Con số này dù đã giảm nhẹ so với năm 2012 (24,8%) nhưng cao hơn năm 2008 (23,8%).

Theo báo cáo, 5 quốc gia thành viên EU có tỷ lệ người dân có nguy cơ nghèo đói hoặc bị phân biệt đối xử trong xã hội “đứng đầu bảng” trong năm 2013 gồm: Bulgaria với tỷ lệ 48% số dân, Romania 40,4%, Hy Lạp 40,4%, Latvia 40,4% và Hungary 40,4%. Tỷ lệ thấp hơn được ghi nhận tại các nước như CH Czech với 14,6%, Hà Lan 15,9%, Phần Lan 16%, Thụy Điển 16,4%. “Xếp hạng” nghèo đói của các nước này cũng tương tự bảng xếp hạng cách đây 3 năm, theo đó Bulgaria giữ chức “quán quân” với 42%, Romania 41%, Latvia 38%.

Cũng theo thống kê của Eurostat, một trong những quốc gia có tỷ lệ người có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói và bị phân biệt đối xử trong xã hội tăng nhanh bậc nhất là Hy Lạp với 40,4 %, khoảng 4 triệu người. Con số trên tăng mạnh so với năm 2008 là 28,1%, tức là trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia này.

Các số liệu thống kê về nghèo khổ tại các nước thành viên EU được đưa ra trong bối cảnh con số thất nghiệp tại  Liên minh này dù đã giảm  song vẫn đứng ở mức cao trên 10%. Trong đó, nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là Hy Lạp với khoảng 26% lực lượng lao động. Đây cũng là nước có tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao nhất EU với khoảng 56%.

Trong khi đó, báo cáo về việc làm và tình hình xã hội năm 2013 của EU trước đó đã nhấn mạnh việc tăng nguy cơ nghèo đói trong dân số ở độ tuổi lao động là hậu quả xã hội rõ ràng của khủng hoảng kinh tế tại châu Âu. Theo báo cáo này, ngay cả khi thất nghiệp giảm dần thì vẫn có nguy cơ đảo chiều xu hướng nghèo đói, đặc biệt nếu sự chênh lệch về tiền lương tiếp tục tăng, nhất là đối với công việc bán thời gian. 

Tương tự, khảo sát của Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) cũng cho thấy, châu Âu đang rơi vào một giai đoạn nghèo túng kéo dài và ngày càng sâu sắc với nạn thất nghiệp diễn ra khắp nơi, bất bình đẳng ngày càng lớn và tâm lý người dân ngày một bi quan. IFRC lý giải, thực trạng này là hậu quả của các chính sách “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ mà một loạt nước châu Âu đã và đang thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công suốt những năm qua.

Cho dù tiêu chí và tiêu chuẩn nghèo đói ở các nước giàu như tại EU khác xa các nước đang phát triển trên thế giới song thất nghiệp, nghèo đói vẫn tiềm ẩn những nguy cơ không chỉ với kinh tế mà cả xã hội và chính trị của Liên minh. Các cuộc biểu tình biến thành bạo lực ở Hy Lạp, Pháp, Italia, Tây Ban Nha… cùng bất ổn chính trị đã khiến cả EU và mỗi thành viên đều phải đau đầu.