Nghịch lý dịch vụ rẻ, giá tour cao

ANTĐ - Chi phí dịch vụ, ăn uống luôn nằm trong top những quốc gia giá rẻ nhất trên thế giới nhưng giá tour du lịch Việt Nam vẫn cao hơn nếu so với một số quốc gia trong khu vực. Nghịch lý này đang làm giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Nếu không đa dạng hóa những sản phẩm dịch vụ, du lịch Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước bạn

“Thiên đường giá rẻ”

Nhiều năm nay, các thành phố của Việt Nam luôn nằm trong top đầu những điểm du lịch giá rẻ nhất trên thế giới. Theo nhận định của trang Price of Travel, trang web tham khảo về chi phí du lịch ở nhiều quốc gia được các du khách tin dùng, đáng chú ý, Hà Nội và TP.HCM đều lọt top 3 trong số 136 các thành phố có chi phí rẻ nhất cho du khách đi “phượt”.

Số tiền trung bình mà du khách phải bỏ ra cho 1 ngày nghỉ ở khách sạn, 3 bữa ăn, 2 lần di chuyển bằng phương tiện giao thông, 1 lần tham quan di tích văn hóa và 3 cốc bia giá rẻ lần lượt ở Hà Nội là 17,03USD và TP.HCM 18,2USD. Mức chi phí này chỉ nhỉnh hơn so với thành phố Pokhara của Nepal. Đáng chú ý, Hội An cũng đứng thứ 17 trong danh sách này. 

Không tính riêng các điểm du lịch, nhiều trang web du lịch như Skyscanner, Buzzfeed hay Roughguides… cũng liên tục bình chọn Việt Nam là điểm đến giá rẻ với khách du lịch trên thế giới. Trang Tripomatic ước lượng, với 100USD, du khách có thể ở Hà Nội trong 6 ngày 7 đêm, trong khi ở một số quốc gia khác như Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản, con số này chỉ là từ 2 đến 3 ngày.

Mức giá vừa túi tiền được coi là một thế mạnh của du lịch Việt nhằm thu hút bộ phận khách phổ thông, đặc biệt là những khách du lịch tự do theo kiểu “phượt”. Có được điều này là nhờ hầu như các chi phí dịch vụ ăn ở tại Việt Nam, kể cả ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng còn tương đối thấp. Từ giá phòng khách sạn, nhà nghỉ… cho đến các dịch vụ ăn uống, mua sắm… đều được đánh giá là phải chăng và không ngạc nhiên khi nhiều người coi Việt Nam là một “thiên đường giá rẻ” ở châu Á. Thế nhưng, lợi thế này đang bị giảm sút đi rất nhiều bởi sự tác động của nhiều yếu tố.  

Đi nước ngoài... rẻ hơn trong nước

Có một thực tế là bất chấp những lợi thế về giá cả dịch vụ thì giá tour du lịch Việt Nam đang ở mức khá cao so với những quốc gia lân cận. Mặc dù du lịch theo tour thường là ưu tiên số 1 khi đi du lịch nước ngoài vì vừa có thể giảm thiểu chi phí phát sinh cũng như tiết kiệm được thời gian, thì ở Việt Nam chi phí khách phải trả cho hành trình theo tour vẫn cao hơn so với những nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia hay Trung Quốc… Thậm chí con số chênh lệch lên tới khoảng 

30-40%. Ví dụ để du lịch Campuchia 4 ngày 3 đêm do một công ty Campuchia tổ chức chỉ khoảng 200USD (xấp xỉ 4,4 triệu đồng). Hay du lịch Thái Lan trong khoảng thời gian tương tự, 1 tour trọn gói do chính hãng lữ hành Việt Nam cung cấp cũng chỉ từ 4-5 triệu đồng, với 2 điểm du lịch nổi tiếng ở xứ sở Chùa Vàng là Bangkok và Pattaya. Trong khi đó, chi phí 1 vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông từ Hà Nội đi TP.HCM cho 1 du khách thường xuyên ở ngưỡng 4-5 triệu đồng. Cộng thêm các khoản phí dịch vụ, khách sạn, tham quan, mua sắm… thì tính ra, du khách đi du lịch tại Việt Nam đắt đỏ hơn nhiều so với việc đi tới các nước trong khu vực. 

Có một thực tế là dù rất nhiều chính sách hỗ trợ hàng không được thực hiện trong thời gian gần đây, nhưng giá vé máy bay vẫn chưa thực sự “hạ nhiệt”. Bên cạnh đó, sự thiếu nhạy bén của doanh nghiệp du lịch trong việc khai thác các lợi thế về tài nguyên, xây dựng sản phẩm dịch vụ đi kèm khiến tour du lịch Việt Nam dù giá cao nhưng kém hấp dẫn so với các nước bạn.

Ở một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc… nhiều doanh nghiệp lữ hành chấp nhận chào bán tour với mức giá “siêu rẻ” nhưng thu lại từ khách hàng bằng việc cung cấp các dịch vụ tham quan, giải trí hấp dẫn, đa dạng và “tận thu” từ các sản phẩm hàng hóa, quà lưu niệm. Ở Việt Nam, sản phẩm du lịch nghèo nàn và thiếu chuyên nghiệp, khiến cho du khách không mấy mặn mà.

Bên cạnh các yếu tố trên, lệ phí visa cũng bị coi là các tác nhân “đội” chi phí du lịch tại Việt Nam. Trong cuộc họp của Nhóm công tác Du lịch tại diễn đàn APEC được tổ chức vào cuối tháng 5 tại Peru đã một lần nữa khẳng định, thị thực nhập cảnh có tác động lớn nhất đến sức hút của điểm đến du lịch. Các biện pháp thuận lợi để tạo điều kiện cấp thị thực, chẳng hạn như visa điện tử có ý nghĩa tích cực nhưng chi phí quá cao có thể tác động tiêu cực đến việc thu hút khách.

Trong khi, nhiều năm trước đây, mức phí làm visa của Việt Nam (45USD) luôn ở vào hàng đắt đỏ nhất trong khu vực, nhất là so với các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia… thì mức phí này gần gấp rưỡi và đây là điều khiến nhiều du khách từ chối Việt Nam trên hành trình của mình. Hiện ngành du lịch đang nỗ lực trong việc nới lỏng chính sách visa, không biết điều này có tạo được hiệu ứng rõ rệt trong việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam hay không.