Nghịch lý bất bình đẳng giàu - nghèo trong toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0

ANTD.VN - Thế giới đang giàu lên nhanh chóng nhờ toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 nhưng bất bình đẳng cũng ngày càng sâu sắc. Người giàu thì ngày càng giàu hơn và người nghèo lại trở nên nghèo hơn. 

Nghịch lý bất bình đẳng giàu - nghèo trong toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 ảnh 1Sự tương phản giữa 2 khu vực giàu nghèo ở thành phố Johannesburg của Nam Phi

Dựa trên dữ liệu thu thập từ 189 quốc gia, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố báo cáo cho thấy có khoảng 300 triệu người lao động có mức thu nhập khoảng 7.500 USD/tháng. Ngược lại, có tới gần 1,6 tỷ người, chiếm gần một nửa số người lao động trên toàn thế giới, chỉ kiếm được 200 USD mỗi tháng. Thậm chí có khoảng 10% số người lao động có mức thu nhập chỉ khoảng 22 USD mỗi tháng.

Để hiểu rõ thêm nghịch lý trong phát triển này, hãy nhìn vào một vài con số thống kê mà OXFAM, tổ chức phi chính phủ của Anh chuyên quan tâm đến các vấn đề bất bình đẳng, đói nghèo, phân biệt đối xử và việc khai thác các nguồn tài nguyên của thế giới, đưa ra hồi năm 2017. Theo OXFAM, chỉ 8 người giàu nhất thế giới đã chiếm hữu lượng của cải tương đương của 3,6 tỷ người nghèo nhất, tức là một nửa dân số thế giới.

Cũng theo OXFAM, những người giàu nhất hành tinh tích lũy sự giàu có với tốc độ đáng sợ, đến nỗi thế giới có thể có Trillionaire USD (người sở hữu nghìn tỷ USD) đầu tiên trong vòng 25 năm nữa. Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng Trillionaire mỗi ngày tiêu xài 1 triệu USD thì cũng phải 2.738 năm mới hết tiền.

Đây là lời cảnh báo cho thấy việc chỉ coi trọng tăng trưởng kinh tế và tạo thu nhập là chưa toàn diện. Nó có thể chỉ giúp một số người có cơ hội tích lũy của cải, trong khi nhiều người nghèo lại càng nghèo hơn. Thực tế này có thể thấy khi so sánh các nước phát triển với hệ thống kiểm soát thu nhập tốt hơn so với các nước nghèo vốn chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, tiền lương của số người có thu nhập cao hàng đầu ở các nước phát triển chỉ chiếm 30% GDP của nước đó. Trong khi đó, đối với các nước nghèo, những người lao động có thu nhập cao hàng đầu chiếm tới 70% GDP. Đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất gây nên tình trạng bất bình đẳng trên hành tinh của chúng ta.

Cuộc cách mạng 4.0 cũng tạo nguy cơ dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng. Lợi nhuận và giá trị từ những kỹ năng mới tạo ra đương nhiên sẽ cao hơn, nhưng chỉ có những người được trang bị và đủ sức nắm bắt các kỹ năng mới mới có thể nắm bắt cơ hội. Ngược lại, những người không thích ứng được với đòi hỏi của công nghệ 4.0 sẽ bị gạt ra trong quá trình phát triển và trở nên bần hàn nếu như hệ thống an sinh xã hội không được quan tâm.

Để không có ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển cũng là thách thức với Việt Nam. Nếu nhìn vào tỷ lệ nghèo đa chiều, chỉ số được đo bằng mức độ thiếu hụt tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin, chỉ số này giảm đáng kể từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016, tương đương với khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo. Tuy nhiên, nếu như năm 1993, chênh lệch giữa nhóm 20% dân số giàu nhất so với 20% dân số nhóm nghèo nhất chỉ khoảng 4,4 lần, thì đến năm 2016 đã tăng lên 10 lần.

Các nước trên thế giới cần phải tạo ra một nhận thức mới và phải thiết kế nền kinh tế sao cho có lợi cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho vài người có đặc quyền hoặc có đủ điều kiện nắm bắt các cơ hội. Các nước cần một nền kinh tế có khả năng tạo ra một xã hội tốt hơn và công bằng hơn, trong đó người lao động được nhận lương xứng đáng, phụ nữ và nam giới được đối xử bình đẳng, trẻ em có các cơ hội để phát triển và không ai phải sống trong nỗi lo sợ bị bệnh mà không thể đến bệnh viện vì không trả nổi các chi phí y tế.

Chỉ có như vậy, thế giới mới thoát khỏi nghịch lý của sự chênh lệch quá lớn giữa những người siêu giàu và những người bị bỏ mặc trong sợ hãi và tuyệt vọng.