Nghịch lý bác sĩ ở Nicaragua bị “khủng bố tinh thần” trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có một nghịch lý là, trong khi các quốc gia khác mời các bác sĩ nghỉ hưu trở lại làm việc, đưa sinh viên y khoa lên tuyến đầu để cùng với đội ngũ nhân viên y tế nỗ lực chống đại dịch Covid-19 thì ở Nicaragua, các bác sĩ bị quấy rối, đe dọa và đôi khi buộc phải lưu vong vì bị truy trách nhiệm xử lý dịch bệnh.
Một nhân viên cửa hàng thời trang treo biển nhắc nhở đeo khẩu trang để phòng chống đại dịch ở Thủ đô Managua, Nicaragua

Một nhân viên cửa hàng thời trang treo biển nhắc nhở đeo khẩu trang để phòng chống đại dịch

ở Thủ đô Managua, Nicaragua

Bác sĩ bị đe dọa, cấm phát ngôn

Phó Tổng thống Rosario Murillo, đồng thời là Đệ nhất phu nhân Nicaragua đã cáo buộc các bác sĩ “khủng bố sức khỏe” và truyền bá “những viễn cảnh và tin tức sai lệch” rằng dịch Covid-19 lan rộng hơn nhiều so với con số thống kê chính thức.

Tiến sĩ Leonel Argüello, một bác sĩ cũng là một trong những nhà dịch tễ học nổi tiếng nhất của Nicaragua gần đây đã phải trốn khỏi đất nước sau nhiều tháng bị quấy rối và đe dọa. Từng công tác tại Bộ Y tế, ông Argüello đã phớt lờ những lời đe dọa nhưng ông cảm nhận được sự thay đổi khi bà Murillo tuyên bố công khai rằng chính các bác sĩ đã gây ra mọi thứ và chính phủ sẽ không tiếp tục dung thứ cho điều đó. “Trong cuộc sống cái gì cũng có cái giá phải trả và nếu chúng ta gây hại thì nguy hại sẽ đến với chúng ta, chúng ta không nên phơi mình để lãnh hậu quả”, bà Murillo nói trên đài truyền hình quốc gia hồi đầu tháng 7-2021.

Tiến sĩ Argüello quyết định ra đi khi ông cảm thấy sự an toàn của mình bị xâm phạm. Ông cho rằng, nếu những người như ông bị bỏ tù, họ sẽ mất đi vai trò là một nhà giáo dục về sức khỏe. “Chúng tôi không làm việc để hạ bệ chính phủ, cũng không chủ trương trở thành một đảng đối lập. Chúng tôi làm việc với bất kỳ bệnh nhân nào để tìm cách cứu sống họ”, ông Argüello nói.

Vào khoảng thời gian đó, bác sĩ tiết niệu José Luis Borgen đã được gọi đến Bộ Y tế và yêu cầu ngừng cung cấp số liệu thống kê về đại dịch khác với con số chính thức. Ông biết rằng, khoảng một chục bác sĩ tương tự đã được triệu tập để nghe thông báo như vậy. Bác sĩ Borgen nói: “Họ cáo buộc chúng tôi đưa tin sai sự thật và khiến dân chúng sợ hãi. Một bác sĩ được thông báo rằng sẽ bị thu hồi giấy phép, thậm chí bị buộc tội phát tán thông tin sai lệch. Tôi tin rằng bác sĩ đó không còn ở Nicaragua nữa”.

Ông Borgen cũng đã được triệu tập đến Văn phòng Tổng chưởng lý như một nỗ lực nhằm đe dọa ông. “Tất cả có liên quan đến nhau. Khi Phó Tổng thống đã tuyên bố, những người còn lại sẽ thực thi”, vị bác sĩ tiết niệu nói.

Mối nguy khi hiểu lầm về mức độ an toàn

Kể từ khi Nicaragua bắt đầu xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào tháng 3-2020, việc nói về đại dịch là điều cấm kỵ. Nhân viên bệnh viện còn bị cấm đeo khẩu trang y tế vì những người quản lý cho rằng điều này có thể khiến bệnh nhân lo lắng. Tuy nhiên, gần đây, người thân và nhân viên y tế đã lên tiếng về tình trạng “chôn cất bí mật và cấp tốc” đối với các nạn nhân Covid-19. Một bác sĩ ở thành phố phía Tây Bắc Chinandega cho biết, các bác sĩ không thể thực hiện xét nghiệm Covid-19 bên ngoài các bệnh viện công, và ngay cả những xét nghiệm này cũng bị giới hạn nghiêm ngặt.

“Nếu ai đó có xét nghiệm dương tính, họ sẽ xử lý một cách kín đáo, vì họ muốn xây dựng hình ảnh đại dịch đã được kiểm soát”, nhưng nữ bác sĩ này nói trong điều kiện giấu tên rằng, khu vực của cô đang có rất nhiều ca bệnh, một số đồng nghiệp ngày đêm điều trị cho bệnh nhân cũng đã chết vì căn bệnh này.

Trong hầu hết các trường hợp, một bác sĩ không thể nhanh chóng tiếp tục hành nghề ở một quốc gia khác. Ông Argüello vẫn đang điều trị từ xa cho 15 bệnh nhân đang thở oxy tại nhà. “Chính phủ đang tạo ra cảm giác sai lầm về sự an toàn khiến nhiều người phải trả giá bằng mạng sống. Vì thế, tình hình đang tệ hơn mỗi ngày, con số đang tăng lên”, ông nói.

Một tổ chức gồm các nhà hoạt động và bác sĩ độc lập có tên là Citizen Observatory cho biết, số ca tử vong do Covid-19 ở đây phải hơn 4.000 người, cao gấp 20 lần so với con số chính thức của chính phủ.

Nicaragua bắt đầu tiêm chủng hạn chế vào tháng 4. Đến nay, quốc gia có dân số khoảng 6,5 triệu người đã tiêm cho hơn 520.000 người trên 45 tuổi. Thay vì áp đặt các hạn chế để làm chậm sự lây lan của virus, chính phủ khuyến khích các cuộc tụ tập đông người và tiếp tục cuộc sống như bình thường bất chấp cảnh báo từ các bác sĩ địa phương và Tổ chức Y tế liên Mỹ.