Nghịch cảnh tại đất nước ngập nợ

ANTĐ - Trong khi phần lớn người dân Hy Lạp “thắt lưng buộc bụng” bởi nền kinh tế ngập sâu trong nợ nần và phải nhờ đến cứu trợ, thì một số ít người giàu vẫn ung dung hưởng thụ.

Một gia đình ăn xin trên đường phố Athens. Rất dễ bắt gặp những cảnh

 tương tự ở Athens những ngày này 

Giàu vẫn được miễn thuế

George Economou tỏ ra rất hào hứng khi nói về nghệ thuật, về thị trường tranh hay những tác phẩm của các họa sĩ người Đức như Neo Rauch, Otto Dix trong bộ sưu tập của mình. Ông trùm của ngành vận tải biển Hy Lạp này vừa mua một bức họa trị giá 330.000 euro (420.000USD). 

“Ông ấy rất vui khi trả lời các câu hỏi về nghệ thuật”, nữ trợ lý của ông George Economou nhắc lại khi cô đứng ở lối vào biệt thự sang trọng ở Maroussi, một ngoại ô phía bắc Thủ đô Athens, trong buổi giới thiệu những bức tranh trong bộ sưu tập của ông Economou. Sự kiện này diễn ra trong tình trạng an ninh nghiêm ngặt, khách mời tới đây đều phải đi qua khu vực an ninh với thiết bị kiểm tra dấu vân tay… 

Trong khi đa số người dân sống trong cảnh khổ cực thì một số ít người siêu giàu gồm các chính trị gia, diễn viên và doanh nhân vẫn có tài khoản tại chi nhánh Ngân hàng Anh HSBC ở Geneva (Thụy Sĩ). Các chuyên gia ước tính, số tài sản này lên tới 170 tỷ euro. Họ cũng không ngần ngại che giấu tài sản của mình. Tại những khu dân cư giàu có như Kifissia ở phía bắc Athens hay Glyfada ở phía nam thành phố, nhiều người vẫn đi lại bằng những chiếc Porsche Cayennes sang trọng và sử dụng túi xách hiệu Hermès. Các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Balenciaga và Dior xuất hiện nhan nhản tại các cửa hàng thời trang lớn trong thành phố. 

Mặc dù cạn kiệt ngân sách và nợ các công ty tư nhân khoảng 9 tỷ euro, nhưng đã 3 năm đất nước rơi vào khủng hoảng, Chính phủ Hy Lạp tiếp tục miễn thuế cho các công ty vận tải biển, ngành công nghiệp thành công nhất của nước này. Thế nhưng việc miễn  thuế này chỉ người giàu được hưởng lợi, trong đó có ông Leon Patitsas, 36 tuổi, chủ Công ty Atlas Maritime hiện đang có 6 tàu dầu đang hoạt động và một chiếc được đóng tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ông Patitsas cho rằng, Hy Lạp có đội tàu biển lớn nhất thế giới khi vận chuyển 20% lượng hàng hóa thế giới. Và việc miễn thuế đối với ngành công nghiệp này là cần thiết vì nó tạo ra công ăn việc làm cho 400.000 lao động ở Hy Lạp. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty vận tải biển Hy Lạp thậm chí còn không phải đóng thuế cho những lĩnh vực không liên quan gì đến vận chuyển hàng hóa trên biển. 

Gánh nặng đè lên người nghèo

Trong khi nợ công của Hy Lạp vào khoảng 301 tỷ euro, thì người dân nước này có tài sản cá nhân nhiều gần gấp đôi số tiền trên. Quốc hội Hy Lạp mới đây đã nhất trí thông qua gói các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm cắt giảm 13,5 tỷ euro chi tiêu công từ nay đến năm 2015, chủ yếu cắt giảm lương và lương hưu. Những biện pháp này sẽ khiến lương bình quân hàng tháng của người lao động giảm xuống còn khoảng 950 euro, còn các gia đình kiếm được hơn 18.000 euro một năm sẽ không nhận được tiền trợ cấp nuôi con.

Dimitris, 50 tuổi, phải xin cháo phát chẩn của tòa thị chính ở Athens. Im lặng và ngượng ngùng, hàng trăm người Hy Lạp, cả nam lẫn nữ, ở tất cả các độ tuổi, vẫn ăn mặc đẹp, đứng chen chúc nhau xếp hàng, ngày 2 lần, để nhận một bữa ăn nóng sốt. Là một thợ sơn nhà, Dimitris chỉ kiếm được vài ngày công mỗi tháng và tệ hơn là “Mỗi ngày công chỉ được trả từ 20-25 euro. Không bảo hiểm, không gì cả”.

Do kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp, cửa hàng đóng cửa, thu nhập của người dân giảm sút khiến lượng tiêu dùng sụt giảm. Những người về hưu và người làm công ăn lương nhận thấy lương và trợ cấp của mình bị cắt giảm hoặc họ lại bị thất nghiệp. Còn các nhân viên thuế cũng tỏ ra chán nản. Lương của họ bị giảm 40%, còn số lượng nhân viên giảm từ 15.000 xuống 10.000 người. 

Dimitris Christoulas, một dược sĩ hưu trí 77 tuổi, đã trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp. Ngày  4-4-2012, vào đúng giờ cao điểm, người đàn ông này đã tự bắn một phát súng vào đầu trên quảng trường Syntagma ở Thủ đô Athens, nơi diễn ra các cuộc biểu tình phản đối “chính sách thắt lưng buộc bụng”. Trước khi tự sát, Dimitris Christoulas đã kêu lên: “Tôi không thể tiếp tục được nữa, tôi không muốn để lại nợ nần cho các con tôi”.

Cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp đã khiến tình trạng thất nghiệp bùng nổ, chiếm 22% số dân trong độ tuổi lao động. Những người nghèo mới đã xuất hiện và cùng với họ là những người không nhà cửa. Số lượng người vô gia cư vì thế cũng tăng hơn 25% kể từ năm 2009, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu đánh vào nước này. Chủ tịch Nghiệp đoàn Thuế quốc gia, Mpampis Nikolakopoulos, từng thừa nhận: “Người Hy Lạp đang cố gắng hết sức có thể để trốn thuế, do hệ thống vừa phức tạp vừa bất công, trong khi thiếu một ý chí chính trị để thay đổi nó và để đấu tranh thực sự chống lại nạn trốn thuế”.