Nghịch cảnh ở “thôn phế thải”

ANTĐ - Chỉ còn chưa đầy 1 tháng là đến Tết trung thu, bọn trẻ ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc đã nói về những món quà của bố mẹ hay nơi mà gia đình mình sẽ đến chơi. Cách nơi chúng ở chỉ hơn 10km, trong “thôn phế thải”, những đứa trẻ cùng trang lứa lại không có chút khái niệm nào về ngày lễ tết.

Nghịch cảnh ở “thôn phế thải” ảnh 1
“Sinh càng nhiều con càng nhiều phúc”, anh Mã Tiểu Văn, cư dân “thôn phế thải” hồn nhiên nói

Sống trong phế liệu

Đường Lập Thang nằm ở quận Xương Bình, thành phố Bắc Kinh từ nhiều năm qua trở thành lằn ranh ngăn cách 2 thế giới: Phía đông là khu Thiên Thông, một khu dân cư lớn với những tòa nhà chọc trời, trong khi đó phía tây được gọi bằng một cái tên không mấy hay ho - “thôn phế thải”. 

Trên diện tích gần 4km2, “thôn phế thải” có hơn 900 điểm thu mua đồng nát. Hình thành từ năm 2003, tính đến nay đã có trên 30.000 người từ khắp mọi miền quê của Trung Quốc đem theo “giấc mộng Bắc Kinh” đổ về đây lập nghiệp. Cái tên thôn Tiểu Khẩu nhanh chóng bị lãng quên bởi “biệt danh” mới. Mỗi ngày, đồ đồng nát được thải ra từ một nửa Bắc Kinh được tập kết về đây, sau khi được xử lý giản đơn rác thải tiếp tục “đi” về Đường Sơn, Bảo Định, Hàng Châu, thậm chí cả Quảng Châu. Suốt 12 năm qua, sự cách biệt giữa 2 thế giới đó ngày một lớn.  

Cảm giác đầu tiên của những người mới đặt chân đến “thôn phế thải” là sự nghẹt thở. Phế liệu chất cao hơn những ngôi nhà mái bằng, mảnh sân nhỏ cũng bị tận dụng để phế liệu, quanh năm nhếch nhác và chật chội. Trong không gian đầy mùi khó chịu ấy, những đứa trẻ tuổi mầm non lang thang ngoài ngõ vào cái giờ đáng lẽ phải đến trường. 

Hoàng Cẩm, 32 tuổi, mẹ của 3 đứa con đã “định cư” ở “thôn phế thải” 8 năm nay. Cho tới lần mang thai thứ 3, chị mới sinh được một đứa con trai. “Có nhà còn sinh 4 đứa mới được như ý”, Hoàng Cẩm thở phào vì thấy mình may mắn chán. Trong “thôn phế thải”, đến bất cứ chỗ nào cũng có thể đọc được quảng cáo “sinh con theo ý muốn”. Chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc dường như vô hiệu ở đây, khi mà nhà nào cũng phải có ít nhất 2 con. Để tránh khoản tiền phạt bắt buộc, những đứa trẻ “đẻ cố” đó phần lớn không được nhập hộ khẩu, không được làm khai sinh. “Chờ đến 15 tuổi làm chứng minh nhân dân thì tính sau”, nhiều người dân “thôn phế thải” tính toán như vậy. 

“Trọng nam khinh nữ” không phải là quan niệm cổ hủ duy nhất còn tồn tại ở “thôn phế thải”. Tại đây, việc phân công lao động trong gia đình rất rõ ràng, đàn ông lo việc bên ngoài, kiếm tiền nuôi gia đình, còn người phụ nữ chỉ loanh quanh ở nhà làm việc vặt hoặc trông nom con cái, khi rảnh rỗi thì chơi mạt chược. Song đối với nhiều gia đình ở đây, việc trông nom con cái chỉ là thứ yếu. Thậm chí một bà mẹ trẻ còn thản nhiên thừa nhận, có khi hơn 10 ngày không nấu nướng gì, chơi mạt chược đến quên thời gian. “Bọn trẻ dạ dày nhỏ, chạy quanh thôn ăn cái gì chẳng no”, bà mẹ này ráo hoảnh.
Nghịch cảnh ở “thôn phế thải” ảnh 2
Cách “thôn phế liệu” không xa là những tòa nhà chọc trời của Bắc Kinh

Tương lai vô định

Cũng có nhiều người thực sự trở nên giàu có nhờ phế liệu. Mỗi năm ở “thôn phế thải”, người ta giao dịch 30.000 tấn sắt vụn, 10.000 tấn nhựa, 20.000 tấn giấy, 30.000 tấn gỗ vật liệu, với tổng số tiền lên tới 1 tỷ NDT. Khuất sau những ngôi nhà lụp xụp, có thể thấy những chiếc BMW, Audi hay Porsche bóng lộn. Nhưng trong số 30.000 người từng đến tìm kiếm cơ hội ở đây, không phải ai cũng thành công. Phần lớn chỉ đủ ăn, thậm chí có những người vẫn sống khốn khó qua ngày. Họ sinh con đẻ cái trên những đống rác chất cao như núi, để mặc chúng lớn lên như cỏ dại mà không hề nghĩ đến những khó khăn mà chúng phải đối mặt khi không được học hành đến nơi đến chốn, không hộ khẩu, sự tự ti và cô độc...    

Nghịch cảnh là dù chỉ cách Thiên An Môn chừng 20km, nhưng khái niệm “thủ đô” vẫn cực kỳ xa lạ với cư dân “thôn phế thải”. Từ vài năm trước, Vương Khải, vợ một chủ thầu phế liệu đã mua xe Audi, nhưng rất ít khi chị vào trung tâm thành phố. Thậm chí ngay cả khi tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng đã có vài triệu tệ, nhưng người phụ nữ này, cũng giống nhiều người dân cùng thôn, luôn có cảm giác kính sợ những người ở “trong thành”. Sự tự ti và cách biệt đó cứ dần dần lây nhiễm sang bọn trẻ, khiến chúng luôn giữ khoảng cách ngay với cả bạn bè mình. “Nhà tớ xấu lắm” là câu cửa miệng của Tiểu Hâm, một cô bé 6 tuổi mỗi khi có bạn gợi ý đến nhà chơi. Gia đình Tiểu Hâm sống trong căn nhà chừng 10m2, lúc nào cũng tối tăm và ẩm thấp, ban ngày luôn phải bật điện. Đồ đạc hầu như không có gì ngoài một chiếc ti vi, chiếc tủ lạnh và chiếc giường lúc nào cũng bộn bề quần áo chăn màn. Ngay cả khi có gia tài kếch xù, những đầu mối buôn phế liệu ở “thôn phế thải” vẫn sống trong những ngôi nhà như thế để tiện việc làm ăn. Chính vì vậy, những đứa trẻ luôn mặc cảm, ngay cả xe buýt cũng không dám lên, và “thôn phế thải” là thế giới duy nhất mà chúng có.   

Phần lớn bọn trẻ ở “thôn phế thải” đều có chung một số phận: sinh ra trên đống rác, học ở trường dành riêng cho con em lao động thời vụ, khi lớn hơn thì về quê học tiếp hoặc vào các trường dạy nghề ở Bắc Kinh. Việc được vào học ở các trường công lập là ước mơ không thể nào với tới của hầu hết bọn trẻ. Năm học mới này, trường công lập đầu tiên dành cho con em lao động thời vụ ở Bắc Kinh chính thức tuyển sinh 1.500 học sinh, song không nhiều trẻ em ở “thôn phế thải” vào đây học. Bố mẹ chúng không biết thông tin ấy, vì còn bận với kế sinh nhai…