Nghịch cảnh mùa nghỉ mát

ANTĐ - Lục địa già châu Âu có quy luật tháng 8 là tháng nghỉ ngơi của các chính trị gia, thậm chí có nơi Quốc hội ngừng hoạt động tới 10 tuần. Tuy nhiên, nghịch cảnh đang hiện ra khá rõ với một bên là lãnh đạo các nước đang chịu ảnh hưởng tồi tệ của cuộc khủng hoảng tài chính luôn trong tinh thần “trực chiến” và bên kia là một không khí tung tẩy, thư giãn như thường lệ.

Tổng thống Pháp Hollande thưởng thức nắng gió Địa Trung Hải bên “đệ nhất người tình”

Mùa hè thấp thỏm

“Đôi khi chúng ta nghĩ rằng các chính trị gia chỉ là những robot, nhưng đây là một công việc rất khó chịu với 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần và áp lực rất lớn. Họ có quyền đi nghỉ mát, ngay cả trong những thời điểm rất khó khăn”, ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế cấp cao khu vực đồng euro tại Brussels (Bỉ) khẳng định. Nhưng năm nay, nhiều chính trị gia không dám đi xa đề phòng trường hợp cuộc khủng hoảng tài chính khu vực đồng euro “trở chứng” tồi tệ hơn và kỳ nghỉ hè giờ giống như một quá khứ xa xỉ. Họ là nguyên thủ các quốc gia đang “ngập trong nợ nần” ở Nam Âu nên đành phải hạn chế thời gian nghỉ hè.

Tháng 8 năm ngoái, cuộc khủng hoảng tài chính căng thẳng đã khiến các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha và Ý phải từ bỏ kỳ nghỉ của họ. Năm nay, tình hình vẫn không khả dĩ hơn. Quốc hội Ý vẫn họp và Thủ tướng Mario Monti có một chương trình nghị sự dày đặc với các chuyến công cán tới Phần Lan, Tây Ban Nha và Pháp.

Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã phá vỡ truyền thống nghỉ vào tháng 8 khi lên kế hoạch về 3 cuộc họp nội các bất thường. Điều đó có nghĩa các quan chức chỉ có thể nghỉ tối đa 2 tuần. Bản thân Thủ tướng Mariano Rajoy sẽ phải xen giữa kỳ nghỉ bằng một cuộc họp ngày 14-8 với Vua Juan Carlos tại dinh thự mùa hè của Hoàng gia - Marivent, nhìn ra vịnh Palma de Mallorca. Theo lịch trình, Thủ tướng Rajoy sẽ nghỉ cùng gia đình tại nơi ông sinh ra là Sanxenxo, Galicia Galicia, tây bắc Tây Ban Nha nhưng một chiếc trực thăng quân sự luôn túc trực để đưa Thủ tướng về Madrid nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp.

Tại Athens, tâm chấn của cuộc khủng hoảng, tất cả các lãnh đạo của chính phủ liên minh mới của Hy Lạp sẽ không được nghỉ hè vì họ cần thực hiện cải cách vì sự chậm trễ của cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5, tháng 6. Nội các của Thủ tướng Antonis Samaras có kế hoạch làm việc thông cả tháng 8 trong khi Quốc hội nước này sẽ chỉ đóng cửa trong khoảng 10 ngày, thay vì 2 tháng như thường lệ. 

Tương tự, Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho khuyên các bộ trưởng hạn chế ngân sách cho kỳ nghỉ bằng cách đi nghỉ ở trong nước, còn ông sẽ đi du lịch Manta Rota, một khu nghỉ mát bãi biển gần Faro, phía nam của Bồ Đào Nha trong 2 tuần. Bồ Đào Nha là nước thứ 3 sau Hy Lạp và Ireland nhận được gói cứu trợ tài chính nhưng có thể họ sẽ tiếp tục gặp rắc rối, cần thêm các khoản cứu trợ khẩn cấp khác nếu không đáp ứng mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách.

“Người giàu” ung dung

Có vẻ như không khí tại các quốc gia châu Âu đã thoát khỏi “sự giận dữ của thị trường” lại khác hẳn. Theo nhật báo Die Presse, Thủ tướng Áo Werner Faymann dành 2 tuần đi nghỉ ở Ý vào tháng 7. Thủ tướng Phần Lan Jyrki Katainen đã trở lại với công việc hàng ngày sau 2 tuần đi nghỉ với gia đình tại khu nghỉ mát Side của Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Đức Angela Merkel có 1 tuần hưởng thụ thú đi bộ đường dài ở Sulden, Italia với phu quân Joachim Sauer, một nhà hóa học lượng tử. Kỳ nghỉ này của bà khởi động bằng chuyến viếng thăm lễ hội Wagner ở Bayreuth. Tổng thống Pháp François Hollande được coi là làm gương cho nhiều lãnh đạo châu Âu khác khi ông quyết định nghỉ lại tại dinh thự chính thức của Tổng thống ở Fort de Brégançon bên bờ Địa Trung Hải trong 2 tuần. Đây là giải pháp ít tốn kém nhất cho nhà nước, đoàn tùy tùng của ông cho biết. 

Người tiền nhiệm của ông Hollande, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy thường đi nghỉ mát ở nước ngoài trên những chiếc chuyên cơ và sống trong các lâu đài. Nhưng lần này, ông Hollande lại chọn đi tàu tốc hành từ Paris, giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông là “kiêng” máy bay, đi tàu hỏa thuận tiện hơn. Tuy vậy, cũng một số người phê bình ông 

Hollande rằng lẽ ra phải trả tiền riêng. “Hoàn toàn không có lý do để người nộp thuế phải trả tiền cho các kỳ nghỉ cá nhân của ông Hollande và bạn gái của ông”, ông Geoffroy Didier, Tổng thư ký của nhóm đảng đối lập UMP công bố. Hóa đơn trong 3 tuần nghỉ tại Brégançon có thể rơi vào khoảng hàng chục nghìn euro.

 Bị chỉ trích nhiều hơn cả về chuyện nghỉ mát là Thủ tướng Anh David Cameron. Trước các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài hôm đầu tháng 8, Thủ tướng Anh nói: “Nếu các ông muốn nghỉ mát, tại sao không có kỳ nghỉ tại đây?”, một chiến dịch trị giá 3 triệu bảng vận động người Anh nên đi du lịch trong nước cũng đã được phát động. Nhưng đi ngược tinh thần ấy, kế hoạch của Thủ tướng Cameron cùng phu nhân Samantha và 3 con nhỏ là khởi hành tới khu vực Địa Trung Hải ngay sau bế mạc Olympic 

London, điểm đến không cụ thể vì lý do an ninh. Ông Cameron sẽ quay lại London đúng dịp khai mạc Paralympic Games ngày 29-8. “Tôi tin chắc chính trị gia cũng là con người và họ cần phải nghỉ ngơi. Nếu ai đó cho rằng chính trị gia không nên đi nghỉ, người đó cần suy nghĩ nghiêm túc”, Thủ tướng Anh tỏ vẻ tự ái trước những câu hỏi về chuyến đi nghỉ mát cùng gia đình. Năm ngoái, trên cương vị Thủ tướng nước Anh, ông Cameron đi nghỉ cùng gia đình ở nước ngoài nhưng đã phải về sớm vì xảy ra bạo loạn tại London.