Nghịch cảnh giữa bóng đá Tây Âu và Đông Âu

ANTĐ - Trong lúc những ngôi sao hàng đầu ở Tây Âu, đặc biệt là ở Anh, hưởng mức thù lao lên tới 250.000 bảng/tuần (tương đương 400.000 USD), thì tình cảnh diễn ra hoàn toàn trái ngược tại Đông Âu, nơi thu nhập của các cầu thủ thậm chí còn không bằng những lao động phổ thông…

Stefanovic khi còn thi đấu

Theo thông tin từ Hiệp hội các cầu thủ thế giới (FIFPro), các cầu thủ ở một số quốc gia Đông Âu đang rơi vào tình cảnh trớ trêu, nơi họ phải trả tiền thuế bất chấp CLB chưa thanh toán tiền lương cho họ. Các cầu thủ tiếp tục phải đấu tranh để được nhận lương đúng hạn, điều khiến họ dễ bị tổn thương trước những lời đề nghị của tội phạm dàn xếp tỷ số, những kẻ luôn sẵn sàng trả một số tiền hậu hĩnh và đúng hẹn. Thành viên trong BLĐ của FIFPro, Dejan Stefanovic cho biết, đó là nguyên nhân tại sao tình trạng dàn xếp tỷ số lại diễn ra phổ biến ở khu vực Đông Âu, điều khiến các nhà chức trách đau đầu tìm kiếm biện pháp đối phó. 

Trong khi người ta thường nói về những bản hợp đồng màu mỡ tại các giải VĐQG lớn như Anh, Italia, Tây Ban Nha, Đức hoặc Pháp, thì các cầu thủ chuyên nghiệp tại Đông Âu còn không đủ ăn. Trong quãng thời gian mùa Hè, một số cầu thủ phải tham dự các giải nghiệp dư tại Thụy Sỹ, Bulgaria, Hy Lạp, Slovenia hay Serbia… để kiếm sống. Theo        Stefanovic, những cầu thủ tham dự vào các giải đấu như vậy phải chấp nhận lời đề nghị chỉ từ 3.000 euro (tương đương 4.500 USD/tháng) từ CLB mới, nơi cách đây 3 năm họ hưởng mức thù lao ít nhất từ 10.000 USD. Mặc dù vậy, ngay cả khi tìm kiếm được CLB mới, vấn đề mới chỉ bắt đầu. 

Stefanovic, người giúp FIFPro xuất bản cuốn sách Black Book nói về sự ngược đãi đối với các cầu thủ ở Đông Âu dẫn chứng ví dụ về một cầu thủ người Slovenia, người phải cố gắng rời CLB vì không được trả lương trong 5 tháng. Không những không thanh toán tiền lương cho cầu thủ, CLB còn yêu cầu họ phải đền bù số tiền phá vỡ hợp đồng là 400.000 euro (tương đương khoảng 600.000 USD), bất chấp thu nhập hàng tháng của cầu thủ chỉ là 800 euro (chưa đến 1.500 USD/tháng). 

Một báo cáo của FIFPro công bố hồi tháng 6 cho biết, chỉ có 5 trong số 12 đội bóng tại giải hạng Nhất của Croatia trả lương cho cầu thủ đúng hạn, còn lại trung bình nợ 6 tháng. Kết quả từ một cuộc khảo sát của Hiệp hội cầu thủ  Croatia tiết lộ, 83% cầu thủ chấp nhận hưởng lương thấp hơn nhưng được chủ sử dụng lao động thanh toán đúng hạn, trong khi 43% cho rằng mức thu nhập “rất khó” để đáp ứng các điều kiện tối thiểu hàng ngày.