Nghĩa trang cho lợn 5 móng trong ngôi chùa có đàn dơi lạ

ANTĐ - Chùa Dơi còn gọi là chùa Mã Tộc hay chùa Mahatup, tọa lạc ở đường Mai Thanh Thế, khóm 9, phường 3, TP. Sóc Trăng, cách trung tâm TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng khoảng 2km. Ngôi chùa danh tiếng này được xác định xây dựng từ thế kỷ 16, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu cho Phật giáo Nam tông Khơmer Nam Bộ, là ngôi chùa cổ nhất trên địa bàn tỉnh. Ở ngôi chùa này có nhiều điều lạ lùng, thú vị mà đến nay vẫn là sự tò mò của nhiều du khách đến đây. Ngôi chùa có hàng triệu con dơi lạ cư trú và có một nghĩa trang đặc biệt dành cho lợn 5 móng.

Cổng ra vào chùa Dơi

Bí ẩn của chùa Dơi

Theo truyền miệng trong dân gian đồng bào Khơmer, chùa Dơi với tên gốc là Mahatup, nghĩa của từ này có nghĩa là trận kháng cự, trận chiến lớn. Người Khơmer kể rằng, trước đây tổ tiên của họ đã có một cuộc nổi dậy quy mô chống lại chính quyền phong kiến đương thời. Sau trận thắng lớn, dân chúng xếp gươm giáo trở về làm những nông dân bình thường; tuy nhiên họ tin tưởng đây là vùng đất lành nên cư ngụ lại và bởi tin rằng có đấng thần linh phù trợ nên đồng bào Khơmer quyên góp xây chùa. Còn theo thư tịch cổ lưu trữ trong chùa Dơi hiện nay, thì người khởi xướng xây ngôi chùa là ông Thạch Út. Chùa khởi công xây dựng vào năm 1569, đến nay đã trải qua 19 đời trụ trì; hiện nay trụ trì là Thượng tọa Kim Rêne.

Thượng tọa Kim Rêne kể rằng, ngày xưa khi mới hình thành chính điện chùa Dơi bằng gỗ, trên mái được lợp bằng lá cây dừa nước. Sau đó chùa được sửa chữa, tôn tạo nhiều lần, lần lớn nhất vào năm 1960 chùa được bê tông hóa nhưng vẫn giữ được những nét nghệ thuật độc đáo nguyên thủy vốn có của nó. Năm 2008 chùa bị hỏa hoạn, hư hại phần lớn chính điện mà sau đó chính quyền, người dân phải quyên góp sửa chữa, khắc phục hơn 4 tỷ đồng. Điều lạ lùng là trải qua biết bao nhiêu lần trùng tu, sửa chữa, ban quản trị chùa không hề thuê  nhân công bên ngoài, tất tần tật đều do các sư sãi trong chùa đảm nhiệm. Chính vì thế mới thấy được nét tài hoa hiếm có của những sư sãi, phần lớn là đồng bào Khơmer. Và cũng chính họ, những nghệ nhân không chuyên đó đã góp phần giữ gìn bản sắc kiến trúc độc lạ của chùa Dơi qua hàng trăm năm. Đến nay, những mái vòm cong vút hướng lên trời, những hoa văn, hình chạm khắc trên các đỉnh tháp vẫn còn như mới. Vào năm 1999 chùa Dơi được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) công nhận là Di tích nghệ thuật cấp quốc gia; gần đây nhất, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long chọn ngôi chùa độc đáo này là 1 trong 7 điểm dừng chân lý tưởng của khu vực miền Tây sông nước.

 Ngoài lối kiến trúc và hệ thống tượng lạ lẫm, điều đáng phải kể đến là ngôi chùa còn lưu trữ gần như nguyên vẹn các bộ kinh được coi là báu vật của người Khơmer, được ghi cẩn thận, công phu trên lá cây buông (cùng họ với cây Thốt Nốt). Các thư tịch cổ khác cũng được lưu trữ theo cách độc đáo này. Thượng tọa Kim Rêne lý giải, khi xưa thiếu thốn các sư sãi sáng tạo bằng cách tận dụng thiên nhiên, lá cây buông có thể lưu trữ hàng trăm năm mà không hề hư hại. Tuy nhiên, phải thừa nhận có một số thư tịch cổ bị ảnh hưởng bởi thời gian nên người đời sau chỉ biết được đích xác tên tuổi của 8 đời trụ trì chùa Dơi, từ đời thứ 12 đến đời thứ 19.

Nét kỳ thú gắn liền bao đời nay và làm nên cái tên chùa Dơi khá lạ là nơi đây có đàn dơi có thể nói lên đến cả triệu con cư trú. Không ai biết đàn dơi tá túc ở chùa Dơi từ đời nào nhưng có thể nhận định là hàng trăm năm, từ khi xây dựng chùa đến nay. Theo Thượng tọa Kim Rêne, dơi ở đây là dơi quạ, có tên khoa học là Flying Fox. Mỗi con có thể cân nặng trên dưới 1kg, có con lên đến 1,5kg; con nhỏ có độ sải cánh khoảng 50cm, nhưng khi lớn thì tầm bao phủ của cánh có thể dài từ 1 - 1,5m. Chạng vạng, dơi kéo nhau đi tìm mồi, che kín đen cả 1 khu vực rộng lớn; còn hừng đông chúng lại kéo về, treo mình ngủ im lìm trong không khí tĩnh lặng, trang nghiêm của chùa. Lạ lùng thay, dơi tìm thức ăn ở các khu vực khác, còn trong khuôn viên chùa cây cối xum xuê, trái ăn quả có thể nói là đầy rẫy nhưng tuyệt nhiên không có con dơi nào đụng đến. Tuy nhiên có một điều đáng báo động là lượng dơi ở chùa Dơi trong vài năm gần đây có dấu hiệu bị giảm sút đáng kể, các sư sãi cho rằng, đó là do khi dơi đi săn mồi bị con người phục kích, săn bắn, phần khác cũng là do chúng tự bị tai nạn. Thế nhưng với du khách đâu phải đến chùa Dơi chỉ đến nhìn ngắm đàn dơi “khủng” mà còn khám phá nhiều chuyện lạ lùng khác, trong đó có câu chuyện nghĩa trang của những con lợn 5 móng.

Nghĩa trang cho lợn 5 móng 

Nghĩa trang cho lợn 5 móng

Đó là khu vực nhỏ nằm ở khu vực phía sau khuôn viên chùa Dơi để chôn cất, thờ cúng những con lợn 5 móng. Nghĩa trang cho lợn 5 móng thực chất chỉ xảy ra trong giai đoạn vài chục năm trở lại đây. Đồng bào Khơmer có quan niệm lợn 5 móng là sự bất thường, bởi lẽ thông thường loài lợn chỉ có 3 móng; nếu gia đình nào nuôi dưỡng lợn 5 móng trong nhà sẽ luôn gặp nhưng điều run rủi, luôn lục đục nhiều chuyện, nếu giết thịt lợn 5 móng thì sẽ gặp chuyện không may. Con lợn 5 móng đầu tiên được nuôi tại chùa Dơi thì đến nay ai cũng biết khá rõ. Nhiều người dân và cả Thượng tọa Kim Rêne có kể rằng, đó là vào năm 1989, có một nữ Phật tử tên Khiên làm công quả ở chùa, ra trước cổng chùa đã tình cờ phát hiện có 1 con lợn 5 móng bị bỏ rơi. Phát hiện sự dị thường con lợn có 5 móng chứ không phải 3 móng như thường thấy, bà Khiên mang con lợn vào chùa bẩm báo sư thầy. Cửa Phật luôn mở rộng, từ đó con lợn 5 móng được đưa vào chùa nuôi dưỡng, đặt tên là “Năm Hợi”. Ban đầu sự kiện “Năm Hợi” ở chùa Dơi tạo ra sự hiếu kỳ, nhiều người kéo đến xem. “Năm Hợi” hoàn toàn không quậy phá. Những người làm công quả xem “Năm Hợi” như  một đứa trẻ và  chăm bẵm, tắm rửa sạch sẽ. Ban ngày “Năm Hợi” lẩn quẩn quanh khuôn viên chùa, tối chui vào “nhà” ngủ ngon lành. Thi thoảng “Năm Hợi” có đi bộ lững thững dọc đường ra chợ, người dân cứ thế thấy “Năm Hợi” đi qua đều cho thức ăn, nhưng vì kính trọng nên đồ ăn họ dành cho “Năm Hợi” cũng tươm tất. Mãi đến trưa, “Năm Hợi” quay về chùa để “ăn cơm giờ ngọ” với các sư sãi, tức chỉ ăn uống trước 12 giờ trưa còn sau đó thì không ăn gì nữa.

Kể từ đó, hễ ở đâu trong địa bàn tỉnh Sóc Trăng hoặc các tỉnh thành lân cận có lợn 5 móng đều mang đến chùa Dơi gửi nuôi. Chùa cứ thế tiếp nhận, đàn lợn 5 móng cứ theo thời gian tăng lên đáng kể. Nghiễm nhiên “Năm Hợi” trở thành thủ lĩnh của đàn lợn 5 móng đó. Dân địa phương kể, cứ mỗi sáng, “Năm Hợi” dẫn đầu đàn lợn 5 móng rảo quanh nhiều tuyến đường để dạo chơi, dân chúng xem đàn lợn như những con vật thiêng nên dành tất cả đồ ăn, thức uống với sự tôn kính. 

Rồi theo thời gian “Năm Hợi” qua đời vì tuổi tác. Sư trong chùa kể rằng, đó là ngày 18-7-1996, “Năm Hợi” đã chọn một vị trí góc ở khuôn viên chùa rồi ngủ thiên thu. Nặng tình với con lợn 5 móng ngoan hiền, chùa đã chọn khu đất phía sau để xây mộ phần, có đầy đủ tên tuổi, ngày qua đời và sau này người dân gọi là mộ phần của “cô Năm Hợi”. Từ đó về sau những con lợn 5 móng nào qua đời đều được chôn cất tử tế ở khu vực nghĩa trang này. Về sau, du khách đến thấy nghĩa trang độc lạ nên tự động quyên góp để xây nghĩa trang sạch sẽ cho các lợn 5 móng như ngày hôm nay. Tuy nhiên sau này và cho đến nay, không có sự lãnh đạo của “Năm Hợi” nên đàn lợn 5 móng không ngoan hiền như trước, chùa đã dựng chuồng trại để chăm sóc.

Đáng nói là hằng đêm có nhiều người dân địa phương tìm đến nghĩa trang lợn 5 móng để cầu số may rủi đánh đề. Đây là một sự mê tín dị đoan, nhưng thực trạng này chỉ chiếm số ít. Đến nay, đông đảo du khách thường tìm về chùa Dơi chiêm ngưỡng những nét độc lạ cũng như tìm hiểu về ngôi chùa có 1 không 2 này.