Nghĩa tình thầm lặng tại nghĩa trang liệt sỹ

ANTĐ - Chỉ là một người làm bảo vệ ở trường học nhưng hàng chục năm qua, anh Nguyễn Phước Hà (43 tuổi trú tại tổ 8, thôn Bình Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn ngày ngày làm công việc âm thầm là đem niềm vui đến cho thân nhân những liệt sỹ. Thấy nghĩa trang không người chăm sóc, lại nằm gần nhà và khuôn viên của trường nên anh đã tự nguyện chăm sóc, hương khói cho anh linh của các liệt sĩ được ấm áp, chờ ngày được người thân đón về quê nhà.

Nghĩa tình thầm lặng tại nghĩa trang liệt sỹ ảnh 1Đã không biết bao lần anh Hà gửi thông tin để tìm thân nhân
cho những liệt sỹ ở đây

Những buổi chiều khói sương bảng lảng

Chiều bảng lảng sương khói tại nghĩa trang liệt sỹ xã Bình Định Bắc, nơi có cả nghìn ngôi mộ liệt sỹ, trong đó có tên và chưa tìm thấy tên vẫn còn rất nhiều, có liệt sỹ đã tìm được thân nhân, tìm được quê hương bản quán, nhưng bên cạnh đó còn biết bao liệt sỹ vẫn nằm quạnh hiu nơi đây. Điều ấy đã khiến anh trăn trở vô cùng. Đi cùng anh trong buổi chiều hoang vắng tại nghĩa trang liệt sỹ xã Bình Định Bắc này, nghe anh thủ thỉ chuyện này mà thấy khâm phục cái nghĩa sống ở đời. Anh Hà kể, năm 2002, tình cờ xem mục “Nhắn tìm đồng đội” trên truyền hình, anh chợt nghĩ tại nghĩa trang Bình Định Bắc vẫn còn nhiều liệt sỹ khắp mọi miền Tổ quốc đang nằm lại đây chưa được thân nhân mang hài cốt về quê an táng. Anh hiểu rằng nằm dưới những tầng đất sâu kia, chắc hẳn anh linh của những liệt sỹ mong được trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Và thân nhân của những liệt sỹ cũng khắc khoải ngày đêm muốn đưa những người con của mình trở về quê hương. Nhưng vì điều kiện, vì thông tin không có nên họ cứ rong ruổi hết miền chiến trận này đến miền chiến trận khác để dò hỏi, để tìm kiếm mà đâu biết rằng các anh đang được an nghỉ nơi đây.

Vậy là suốt 10 năm qua, anh đến nghĩa trang ghi chép, xác minh danh tính rồi tìm cách liên lạc, cung cấp thông tin cho thân nhân liệt sỹ khắp cả nước. Cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đến nay đã có gần 100 bộ hài cốt liệt sỹ được thân nhân đưa về quê an táng. Cũng chính anh là người trực tiếp cất bốc hài cốt, lo hương khói, lễ cúng để đưa các liệt sỹ về. Hàng ngày anh vẫn ra nghĩa trang tỷ mỷ đến từng ngôi mộ, ghi tên, quê quán và địa chỉ các anh liệt sỹ trên bia mộ, đối chiếu với hồ sơ lưu của Ban chính sách xã, rồi từ đó làm thông tin để gửi đến địa chỉ thân nhân hoặc gửi đến bộ chỉ huy quân sự nơi quê quán của các anh. Trong những lần đi tìm thân nhân cho liệt sỹ, có nhiều tên tuổi, quê quán liệt sỹ sai lệch nên anh phải đến bộ phận phụ trách chính sách người có công ở xã, huyện rồi tỉnh để xác minh. Trong mỗi bức thư gửi đi, anh ghi rõ địa chỉ, số điện thoại của mình để thân nhân liệt sỹ tiện liên lạc. Có những địa chỉ gửi đến hàng chục lần nhưng vì sai quê quán hoặc do thay đổi địa chỉ nên người thân của họ không nhận được thư, nhưng anh vẫn không nản. Cũng có địa chỉ mà anh phải đi đi lại lại nhiều lần để xác minh tên tuổi. Cũng có những bức thư gửi đến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh được hồi âm và tìm ra địa chỉ nơi các anh ở, làm anh mừng khôn xiết.

Gần đây nhất, anh Hà đã giúp thân nhân đưa hài cốt liệt Nguyễn Văn Ba, nguyên quán huyện Xuân Trường, Nam Hà (nay là tỉnh Nam Định) về quê an táng. Anh Hà cho biết, việc tìm địa chỉ và thân nhân cho liệt sỹ Nguyễn Văn Ba rất khó khăn. Năm 2008, anh đã nhiều lần gửi thư đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định nhưng không thấy người thân liệt sỹ liên lạc. Bặt đi thời gian, có một cựu chiến binh tên Tiến quê Nam Định vào đây tìm mộ, anh đã đưa thông tin về liệt sỹ Ba cho ông Tiến về quê báo tin giúp. Không lâu sau, thân nhân liệt sỹ Nguyễn Văn Ba đã đến tìm gặp anh để xác định thông tin và hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Ba được chính quyền địa phương, gia đình cất bốc đưa về quê an táng trong niềm vui của anh và xúc động của thân nhân liệt sỹ.

Nghĩa tình thầm lặng tại nghĩa trang liệt sỹ ảnh 2Ngày ngày, anh Hà vẫn ra chăm sóc những ngôi mộ liệt sỹ nơi đây

Người quản trang thầm lặng

Hiện tại, khu nghĩa trang này chưa có người làm quản trang nên anh Hà đã tự nguyện trong coi. Anh bảo, việc anh làm xuất phát từ cái nghĩa, vì cái tâm nên anh nhất quyết không bao giờ nhận một đồng tiền hay quà cáp nào từ người thân của các liệt sỹ. Anh tự bỏ tiền túi chăm lo hương khói các phần mộ liệt sỹ ở đây. Thấu hiểu được việc làm của chồng, vợ anh thường xuyên động viên, chia sẻ những khó khăn và sẵn sàng nhường xe máy, phương tiện đi lại duy nhất trong nhà cho anh để anh làm “công tác xã hội” đặc biệt này. Còn hiệu trưởng trường tiểu học Trần Cao Vân thì sẵn sàng cho anh nghỉ phép vài ba ngày để lo việc tại nghĩa trang. Hiện nghĩa trang có ngôi mộ đã được quy tập, có mộ vẫn chưa xác đinh được danh tính. Điều đó khiến anh trăn trở vô cùng. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, chính quyền rất cảm kích trước việc làm của anh Hà. Thời gian qua, vì điều kiện hạn chế nên xã chưa có người làm quản trang, anh Hà là người đứng ra tự nguyện chăm sóc và không có hỗ trợ chính sách nào. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sớm thành lập ban quản trang, cắt cử người làm trông coi cùng anh Hà chăm lo mộ phần cho các liệt sỹ tại nghĩa trang này!”,  ông Túc nói.

Anh Hà ngồi lau lại những tâm bia mộ liệt sỹ, nói chuyện với tôi mà thoảng như đang trò chuyện với những liệt sỹ nằm dưới đất kia. “Mình được sinh ra trong hòa bình, ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay là nhờ ơn những người đã không tiếc thân mình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên như thế này. Giờ các anh nằm lại trong đất mẹ nhưng chưa tìm về được với người thân, là thế hệ đi sau cảm thấy có lỗi nên mình chỉ biết cố gắng làm việc nhỏ mong sao gia đình các anh tìm được và đưa anh về thờ phụng hương khói. Nhìn thấy mộ các anh nằm trong nghĩa trang nhưng người thân không hay biết, lòng mình day dứt lắm. Làm được một việc tốt, lòng mình cảm thấy thanh thản hơn! Chỉ mong một điều là những ngôi mộ chưa biết tên ở đây sớm xác định được danh tính, để có thể trở về quê nhà, được người thân chăm sóc!”, anh Hà bộc bạch. 

Chiến tranh qua đi, biết bao con người phải ra đi không bao giờ trở lại. Đó là mất mát lớn lao không chỉ riêng đối với gia đình, người thân của những anh hùng liệt sỹ mà đó còn là nỗi đau chung của toàn xã hội. Có lẽ ngày ra đi họ chẳng tiếc gì, chỉ ôm trong lòng tình yêu tha thiết quê hương thì có lẽ ngày nằm xuống họ chỉ tiếc rằng chưa nhìn thấy đất nước rộn niềm vui hòa bình. Họ chẳng tiếc máu xương mình để những con người như chúng ta được sống, được lao động, học tập trên mảnh đất bình yên. Sẽ chẳng còn gì cao cả, thiêng liêng đến thế… xin cúi đầu thắp nén nhang cảm phục, kính yêu. Hôm nay, sự biết ơn sâu sắc đó được thể hiện bằng nhiều hình thức, nhiều công việc cụ thể. Trong đó không thể không nhắc đến những con người đang cận kề canh giấc ngủ ngàn thu cho người đã khuất. Cùng mang trong lòng sự biết ơn sâu sắc nhưng có lẽ chính những người “quản trang thầm lặng” như anh Hà là những người gần gũi nhất đối với những nấm mồ liệt sỹ có tên tuổi, và cả với những nấm mồ chỉ vẻn vẹn đề “Tên anh gắn liền tên đất nước”. Tuy nhiên, dù có tên hay không họ vẫn mãi mãi là người anh hùng của dân tộc. Và giữa dòng xoáy của cuộc đời, công việc lặng lẽ của những người quản trang thật vô cùng ý nghĩa.