- Trở về nơi gợi "nguồn cảm hứng" cho chuỗi chương trình "Mang âm nhạc tới bệnh viện"
- “Về nơi khởi nguồn”: Tái hiện ký ức một thời hoa lửa
Khi gió lạnh bắt đầu ở đất trời Thủ đô, chúng tôi bắt đầu cho hoạt động thiện nguyện với mục tiêu “MÙA ĐÔNG KHÔNG LẠNH” ở miền biên cương của Tổ quốc và vì thế chương trình “Áo ấm biên cương - Nâng bước em tới trường” được khởi động với 2 công trình tại xã biên giới Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ - điểm xa nhất tỉnh Lai Châu, cách Hà Nội 500km. Nhìn chặng đường xa ấy có lẽ ai cũng ngại ngần và tự hỏi “sao không làm ở nơi gần hơn, đi lại đỡ vất vả hơn???” nhưng nếu vẫn nghĩ thế thì ai sẽ đi đến nơi xa xôi ấy - và thế là chúng tôi quyết tâm lên đường mang những ấm ấp từ đất trời Thủ đô tới vùng biên lạnh giá, sương mù giăng lối ấy.
Biết ơn và tự hào với lịch sử Đồn biên phòng Sì Lở Lầu
Từ Thành phố Lai Châu lên tới Đồn biên phòng Sì Lở Lầu (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, Lai Châu) chỉ khoảng 120km nhưng phải mất hơn nửa ngày đi đường vì vùng đất này xa xôi, khó khăn nhất của Lai Châu. Sì Lở Lầu - theo tên gọi của đồng bào Dao nơi đây là “12 tầng dốc”, nghĩa là muốn lên được tới đây phải vượt qua 12 tầng dốc quanh co và rất cao, nên ngay cả với nhiều người dân ở Lai Châu cũng ít biết đến địa danh này.
Đoàn công tác trao quà tặng CBCS Đồn biên phòng Sì Lở Lầu |
Chỉ khoảng 10 năm trở lại đây mới có đường ô tô lên tới trung tâm xã Sì Lở Lầu, còn trước đó, ô tô chỉ tới được xã Dào San (cách đồn khoảng 50km), sau đó phải đi xe máy hoặc đi bộ. Kể cả bây giờ có đường ô tô tới xã và nhiều bản rồi, nhưng nếu gặp phải mưa lớn, đường sạt cũng khó đi lại - ngày chúng tôi lên bản làng thì gặp sương mù, tầm nhìn hạn chế nên xe chỉ đi được 10-20km/h.
Với điện cũng vậy, phải tới năm 2005, trung tâm xã Sì Lở Lầu mới có điện thắp sáng, nhưng với các bản xa như Là Nhì Thàng, Lao Chải thì phải tới năm 2019 điện mới lên tới bản. Dù đóng quân trên một địa bàn cách trở, gian khó, nhưng Đồn biên phòng Sì Lở Lầu lại có bề dày lịch sử rất vẻ vang. Trước đây, đồn có tên gọi là Đồn biên phòng 289, mang phiên hiệu Đồn 1, Công an vũ trang Lai Châu phụ trách đoạn biên giới Việt - Trung, địa bàn có 8 xã với 9 dân tộc ít người.
Ngay ngọn đồi phía sau đồn là đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với tấm bia khắc tên 27 cán bộ, chiến sĩ của đồn đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Những trang lịch sử hào hùng của đồn đã ghi lại: “Sáng 17-2-1979, địch có pháo yểm trợ tấn công, cán bộ, chiến sĩ Đồn Sì Lở Lầu ngoan cường chiến đấu, đánh trả quyết liệt, diệt nhiều tên địch, đẩy lui các đợt tấn công của chúng... Ngày 6-3-1979, đồn đã phối hợp với đơn vị bạn chiến đấu, đánh trả quyết liệt một trung đoàn địch ở khu vực Dào San, đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của chúng, diệt 100 tên… Ngày 19-12-1979, Đồn 1, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Ngày 14/12/2024, những người lính Công an Hà Nội chúng tôi đã được dâng hương tưởng niệm trước tấm bia tưởng niệm 27 liệt sỹ. Thông tin trên tấm bia chỉ ghi ngày sinh, không ghi ngày mất bởi các đồng chí đều hy sinh cùng ngày trong trận chiến đấu năm ấy…. Giữa sương mù của biên cương, mùi khói hương ngào ngạt khiến chúng tôi cảm thấy thật nghẹn ngào, xúc động khi nghe câu chuyện trận chiến đấu của Đồn biên phòng Sì Lở Lầu và lòng đầy tự hào vì những người chiến sỹ bộ đội Cụ Hồ đã chiến đấu hiên ngang đến thế, và vinh dự khi chúng tôi đã vượt chặng đường xa khó để đến thắp nén hương trước các anh hùng liệt sỹ giữa những ngày tháng 12 của dịp 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cũng nhân dịp này, Cụm thi đua số 4 đã tặng bộ loa âm thanh trị giá 30.000.000đ lắp đặt tại Hội trường sinh hoạt chính trị của Đồn và phòng Tham mưu Công an thành phố Hà Nội đã trao bức tranh vẽ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Đồn biên phòng Sì Lở Lầu, để nơi biên cương, bộ đội Cụ Hồ luôn hướng về Lăng Bác.
Cũng nhân dịp này, đoàn công tác đã trao tặng 1 loa kéo di động phục vụ các buổi tuyên truyền lưu động của Công an xã Sì Lở Lầu. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy CATP Hà Nội đã viết tư liệu tuyên truyền phòng, chống ma túy tại khu vực biên giới và được phòng Tham mưu chuyển thành file ghi âm trao tặng Công an xã sẽ dịch sang tiếng dân tộc thiểu số để thiết thực phục vụ công tác tuyên truyền lưu động. Đây là món quà nhỏ, động viên các anh luôn đồng lòng chia sẻ với lực lượng Công an xã chính quy bám địa bàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép là bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phối hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới.
Áo ấm biên cương - Nâng bước em tới trường
Trong chuyến đi này, đoàn công tác đã đến điểm trường xa xôi của xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ để xây dựng những công trình: tu sửa điểm trưởng mầm non Tà Chải của 40 cháu học sinh dân tộc Hà Nhì lứa tuổi 2-5 tuổi hiện đang xuống cấp, không có nhà vệ sinh (hiện đang là nhà tạm quây tôn và dùng gạch kê) và xây dựng công trình dành cho học sinh nội trú tại THCS Sì Lở Lầu (hiện chưa có công trình phụ cho học sinh nữ nội trú giữa thời tiết lạnh, thường xuyên sương mù quanh năm). Cùng với đó, những xuất quà được thành viên đoàn công tác chuẩn bị kỹ lưỡng với áo khoác ấm, vở viết, bút, cặp sách hay cả đến những vật dụng thiết yếu dành cho học sinh nội trú như: dầu gội đầu, bàn chải, kem đánh răng và thậm chí từng chiếc cốc đựng vật dụng cá nhân cũng được chúng tôi chăm chút mang từ Hà Nội lên tới vùng cao nơi đây.
Trao tặng công trình Bản đồ Việt Nam hưởng ứng cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” của đồng chí Trưởng phòng Tham mưu CATP Hà Nội |
Tại điểm trường mầm non Tà Chải chênh vênh giữa vách núi với cơ sở vật chất xuống cấp chỉ vẻn vẹn 2 phòng học cho 40 cháu nhỏ, không có nhà vệ sinh riêng biệt. Sân trường được bao quanh bởi “hàng rào” là cây củi được chằng buộc chắc chắn - giờ đây ngôi trường như “biến hình” với màu vôi mới sáng bừng giữa tiết trời lạnh giá, những vết nứt, ố màu của nền và tường nay được thay bằng áo mới và phòng học được treo những tấm ảnh Bác Hồ được thành viên đoàn nâng niu mang từ Hà Nội lên tự tay treo trên trường;
những dải cây màu xanh được đoàn công tác đội mưa dầm trang trí lại hàng rào cây củi khô hay trồng cây tại bồn hoa trước cửa lớp cũng đã mang một màu sắc mới cho sân trường; những chiếc cốc inox, áo ấm và chiếc giường lưới cho trẻ mầm non được trang bị và 3 nhà vệ sinh đã được xây dựng khép kín trong 1 gian nhà để các cháu đi học không còn phải lạnh giá...
Những dải cây màu xanh được đoàn công tác đội mưa dầm trang trí lại hàng rào |
Trải qua hơn 1 tháng thi công với quyết tâm “vượt nắng thắng mưa”, chúng tôi đã kịp dành tặng các cháu ngôi trường mới trước kỳ giá rét khắc nghiệt. Được chứng kiến nụ cười của các cháu và sự háo hức cả bao người dân bản kéo đến xem khánh thành công trình điểm trường mầm non Tà Chải còn mang cả đồ tặng cho đoàn công tác với những củ khoai, bọc nếp nương... thật ấm lòng.
|
Đến với THCS Sì Lở Lầu, ngôi trường không thuộc diện trường dân tộc nội trú nhưng để duy trì việc học và dạy cho gần 500 học sinh nơi đây, nhà trường có khu nội trú dành cho 109 học sinh mà phỉa nhà xa cách điểm trường ít nhất 7km mới được ở nội trú còn các cháu nhà dưới 7km thì cứ đi bộ đi học hàng ngày.
Đoàn công tác trao quà tặng Coogn an xã Sì Lở Lầu |
Lần đầu đến với điểm trường này chứng kiến hơn 100 học sinh nội trú chỉ có mấy gian nhà công trình phụ gió lùa dùng chung cả nam nữ, đoàn công tác cùng sự hỗ trợ của các mạnh thường quân như: Lớp Bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo khóa 4 CATP, Công ty Phú Hưng, sự đóng góp của từng CBCS trong đơn vị Cụm thi đua số 4 và phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã lên kế hoạch cho việc xây dựng 1 công trình phụ (6 nhà tắm khép kín) dành cho học sinh nội trú.
Mỗi công trình được đoàn “thiết kế” mang đến điểm trường đều mang những ý nghĩa đặc biệt: công trình “Đèn chiếu sáng” được đồng chí Trưởng phòng Tài chính ủng hộ thắp sáng sân trường khi nhìn thấy bức ảnh sân trường các cháu chơi cầu lông, bóng chuyền mỗi chập choạng tối; công trình trao tặng Bản đồ Việt Nam hưởng ứng cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” của đồng chí Trưởng phòng Tham mưu được nhà trường đặt ngay vị trí sân trường nơi hàng ngày các cháu đều nhìn thấy hình ảnh bản đồ vào những giờ giải lao và học giờ thể dục với mong muốn các cháu học sinh ghi nhớ niềm tự hào về biên giới lãnh thổ nước ta;
công trình “Thư viện Non cao” và hàng cây “Ươm mầm xanh” được phòng Tham mưu trao tặng điểm trường THCS Sì Lở Lầu với mong muốn truyền tải những thông điệp nhắn gửi các cháu yêu những trang sách để trở thành những mầm xanh nơi biên cương Tổ quốc; công trình “Mùa đông ấm” với 110 chiếc đệm và ga giường dành tặng học sinh nội trú của đồng chí Trưởng Công an xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín - nguyên là cán bộ phòng Tham mưu và những chiếc gối thêu tên từng cháu học sinh nội trú của đồng chí Trưởng phòng Theo dõi công tác nội chính và Cải cách tư pháp Ban Nội Chính thành ủy Hà Nội dành tặng; những chiếc cặp mới, 3.000 quyền vở được trao tặng và những dây cờ hoa, cờ đảng được đoàn công tác chăng kết tại sân trường… nhìn rực rỡ và ấm áp giữa màn sương giăng điểm trường non cao, chúng tôi tự nhủ vậy là năm nay “mùa đông ấm” sẽ đến với các con thật rồi…
Thêu những giấc mơ cho em đến trường
Nhìn học sinh ấm áp trong những chiếc áo ấm đoàn công tác khoác lên cho các em, dù chân đi đôi dép còn lạnh giữa sương muối nhưng chúng tôi đều nhận ra ý nghĩa của mỗi công trình, phần việc chúng tôi đã gây dựng, giữa núi rừng ấy, nghe bản nhạc “Nấu cơm cho em” của Đen Vâu cất lên “Trong đôi mắt đó, em thấy bầu trời, em thấy núi đồi, mặt hồ trong veo. Mong chân sẽ cứng và đá luôn mềm trên mỗi con đường từng ngày em qua. Mặt Trời trong trái tim hồng, vang trong lòng một tiếng gà trưa. Mong cho cây lá lên mầm, mong cho trời thuận gió hoà mưa - Kìa mây, mây ngang đầu, kia núi, núi lô nhô. Cùng em trên con đường, đường bé xíu quanh co. Băng qua những ngọn đồi. Thấy em nghiêng nghiêng cười trong đôi mắt tròn. Và thế giới cũng nghiêng theo đôi bàn chân em” và giọng trong trẻo của bài hát “Em là cô giáo vùng cao: Bản làng yêu ơi em rời phố thị. Vượt núi băng rừng cõng cái chữ lên non. Dậu nắng mưa hay mùa đông giá lạnh. Cùng các em thơ vượt núi đến trường. Hi sinh tuổi xuân bám trường bám bản. Cho trẻ vùng cao viết tiếp những nước mơ. Tình yêu thương như hoa rừng ngào ngạt. Dành cho em thơ, như ngọn núi dòng sông - Gánh cái chữ băng rừng lội suối. Giữa non xanh mây vờn đỉnh đèo cao. Rừng đại ngàn đã đi vào giấc ngủ. Thương học trò còn chưa ấm chưa no…” như thấy bồi hồi cảm xúc ước muốn làm điều gì nhiều hơn thế hành cho “tìm cái chữ” nơi dẻo cao, mong các em học sinh tiếp tục đi học hơn nữa không chỉ dừng lại con số 39% học sinh THCS Sì Lở Lầu được học tiếp THPT dân tộc nội trú ngoài huyện và luôn giữ đúng khẩu hiệu bức tranh tại lớp các em đã vẽ “Kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết - triệt đường tương lai”.
Hoa hậu H’HenNie cùng các thành viên đoàn công tác |
Đến với điểm trường THCS Sì Lở Lầu, điều ấn tượng là một ngôi trường cấp 2 nhỏ bé, hẻo lánh nơi dẻo cao tại vùng đất xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu lại có 1 em học sinh dân tộc Dao đạt giải Nhất học sinh giỏi tỉnh lớp 9 môn Vật lý năm học 2022 - 2023 và 1 em nữ học sinh đạt giải Nhất học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện môn Vật lý năm học 2023 - 2024, nghe các thầy kể lại em học sinh nữ đang bị gia đình thúc giục nghỉ học lấy chồng thì em đỗ giải và được xuất học ở THPT dân tộc nội trú huyện nên mới không phải nghỉ học ở nhà lấy chồng… ngỡ ngàng kèm theo sự ngạc nghiên của đoàn công tác, nhưng khi biết câu chuyện thầy Phó hiệu trưởng nguyên là cựu học sinh chuyên Lý của tỉnh cùng thầy giáo Hoạch dạy môn Vật lý khi được về công tác tại điểm trường này đã mang bao đam mê, nhiệt huyết của những năm tháng tuổi trẻ truyền lửa cho các con và trong muôn vàn khó khăn nơi biên cương, những học sinh dân tộc thiểu số đã hiểu tấm lòng thầy mà bứt phá học tập đạt giải cao… biết đâu một ngày mai các em lại trở về trường với tên gọi “thầy giáo”.
“Không ai đánh thuế ước mơ” nhưng gây dựng những ước mơ hoài bão với nơi biên cương tự cung tự cấp, ít giao thương - nơi mà mỗi người dân bám bản cùng với bộ đội biên phòng là những người lính kiên cường bám trụ canh giữ tấc đất biên cương của nước nhà là máu của biết bao thế hệ cha công đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc… niềm trăn trở ấy được đồng chí Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ nảy lên ý nghĩ “Thêu giấc mơ tới trường” dành cho các em học sinh được kết nối khi phấn đấu lên học cấp 3 mỗi em sẽ được “người kết nối” là các CBCS Công an Thủ đô trao “học bổng” 500.000đ/tháng cho hết 3 năm học cấp 3…
Và từ đây, khởi nguồn cho công trình mới của đoàn công tác tại điểm trường THCS Sì Lở Lầu với 8 cán bộ chiến sỹ kết nối với 9 học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn để thêu giấc mơ các em đi tiếp chặng đường học THPT - công trình sẽ còn tiếp nối với các điểm trường khác nơi biên cương khác để mong dải lụa Thêu giấc mơ của điểm trường đầu tiên này sẽ còn tiếp nối dài thêm nhiều hơn, thêu được nhiều giấc mơ đến trường cho các em học sinh dân tộc thiểu số hơn nữa…
Đi giữa trời rực rỡ…
Chúng tôi không chỉ trao tặng những món quà vật chất mà hơn hết, mong mỏi tiếp lửa cho tinh thần “đi tìm con chữ” dành cho các em học sinh dân tộc thiểu số nơi biên cương, có lẽ vì vậy, mà nữ CBCS Công an trong đoàn công tác đã cùng vượt qua sự ngại ngần e dè để tham gia tiết mục nhảy “Đi giữa trời rực rỡ” được tập từ 3 điểm cầu theo hình thức online đó là: điểm cầu trụ sở Công an thành phố Hà Nội của 10 nữ CBCS, điểm cầu THCS Sì Lở Lầu của 10 học sinh nữ dân tộc thiểu số và điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh của Hoa hậu H’HenNie… vậy mà ăn ý khớp với nhau ngay buổi đầu lên tới bản làng để sáng hôm sau, giữa sân trường rợp cờ hoa và quà tặng ấy những vũ điệu cùng lời ca vang lên đầy nhiệt huyết.
“Còn chần chừ chi hãy sống hết mình. Sống trọn phút giây chân tình. Thanh xuân đang chờ. Bình minh cuộc đời thật đẹp như mơ. Và Sống hết mình dẫu tim còn đầy bỡ ngỡ. Thênh thang bước đi giữa trời rực rỡ - Như một vì tinh tú em lấp lánh trên bầu trời rộng lớn. Em chưa bao giờ quên đi mất rằng mình là ai. Vô tư và kiêu hãnh em biết hiện tại này mình đang sống. Họa một bức tranh cuộc đời em mong” - ca từ của bài hát trong bộ phim nổi tiếng đã khắc họa nên hình ảnh Pu - một cô gái 18 tuổi ưa khám phá, không muốn quanh quẩn ở ruộng nương rồi lấy chồng sớm như bạn bè cùng lứa. Pu luôn muốn thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Cô ra sức bảo vệ người yếu thế, đồng thời không muốn bị áp đặt bởi tục tảo hôn - Chúng tôi cổ vũ những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ của học sinh dân tộc thiểu số tại Sì Lở Lầu, mong là những giai điệu ấy sẽ truyền những năng lượng tích cực cho các em, khơi dậy sức sống tuổi trẻ, sẵn sàng học tập để trở về xây dựng bản làng hãy tự mình “Họa một bức tranh cuộc đời em mong”…
Sống trong đời cần có một tấm lòng…
Hôm nay là 22/12/2024 - Ngày kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi - cán bộ phòng Tham mưu Công an thành phố Hà Nội viết lại cảm nhận của câu chuyện đã qua của “Nghĩa tình biên giới” tại biên cương Sì Lở Lầu khi mà ngày hôm nay cả nước nhớ tới bộ đội Cụ Hồ, biết ơn những người chiến sỹ bám bản, giữ biên cương Tổ quốc và khi mà thầy Hiệu trưởng THCS Sì Lở Lầu gửi đoàn clip học sinh dành tặng chương trình và câu cuối có dòng chữ: “Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng viết một bài hát “sống trong đời cần có một tấm lòng” một lần nữa thầy và trò nhà trường ghi nhận và cảm ơn những tấm lòng vàng của hoa hậu H’HenNie và các đồng chí cán bộ Công an thành phố Hà Nội” và nghe những giọng lơ lớ chưa sõi tiếng Việt của học sinh THCS Sì Lở Lầu “con cám ơn các cô chú Công an thành phố Hà Nội” thấy ấm áp và giá trị hơn nữa về những điều chúng tôi đã làm….