- Đoàn công tác của Bộ Công an lên đường, thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ quốc tế tại Myanmar
- Bộ Công an cử đoàn công tác cứu hộ hỗ trợ Myanmar
Thần tốc làm nhiệm vụ cứu người, giúp bạn
Sáng 31-3, tức là chỉ chưa đầy 12 giờ sau khi đặt chân tới sân bay quốc tế Yangon của Myanmar - nơi vừa xảy ra trận động mạnh nhất trong hơn 100 năm qua tại quốc gia Đông Nam Á này - Đoàn công tác cứu hộ của Bộ Công an đã lập tức tiến hành triển khai việc tìm kiếm các nạn nhân của thảm họa động đất đã khiến ít nhất 1.700 người thiệt mạng, 3.400 người bị thương và 300 trường hợp mất tích và cảnh báo những con số này còn có thể tiếp tục gia tăng khi thống kế đầy đủ hơn. Nếu tính từ lễ xuất quân tại Hà Nội trưa ngày 30-3, Đoàn công tác cứu hộ của Bộ Công an gồm 26 cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp, do Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ làm trưởng đoàn, đã bắt tay vào hoạt động tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ tại hiện trường sau chưa đầy 24 giờ.
![]() |
Đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam phối hợp với lực lượng Myanmar tìm kiếm nạn nhân động đất ngày 31-3-2025 |
Để tới hiện trường tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ theo sự trao đổi với phía bạn Myanmar, Đoàn công tác cứu hộ của Bộ Công an cùng các thiết bị chuyên dùng hiện đại, chó nghiệp vụ sau khi tới sân bay quốc tế Yangon đã lên xe ô tô di chuyển xuyên để tới thủ đô Naypyidaw cách khoảng 250 km. Ngay sau khi đặt chân đến đây sáng 31-3, trong không khí khẩn trương, các thành viên trong đoàn đã dựng lán trại cũng như triển khai thật nhanh phương án cứu nạn cứu hộ để bắt tay nhanh nhất vào công tác tìm kiếm các nạn nhân.
Hiện trường mà các cán bộ, chiến sĩ Đoàn công tác cứu hộ của Bộ Công an triển khai tìm kiếm là ngôi nhà 3 tầng ở khu dân cư Balathidi tại Zabuthiri bị sụp đổ hoàn toàn trên diện tích 200 m2. Lực lượng cứu hộ của Myanmar cung cấp thông tin cho biết, ở mặt trước có 1 người đàn ông trên 60 tuổi và phía mặt sau có một phụ nữ khoảng 30 tuổi bị mắc kẹt. Tuy nhiên, sau khảo sát, đoàn công tác đã phát hiện trong nhà bắt đầu có mùi tử khí.
Đoàn công tác đã lên phương án huy động chó nghiệp vụ và các dụng cụ, thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ, gồm: Thiết bị dò tìm người bị nạn trong công trình sập đổ; máy khoan, đục bê tông; máy cắt đa năng; bộ thiết bị chống sập; bộ túi nâng sử dụng khí nén; tháp đèn chiếu sáng di động, bộ đàm cùng nhiều phương tiện hỗ trợ khác. Đây là những trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tế tại hiện trường, giúp nâng cao hiệu quả tìm kiếm, cứu nạn.
Những cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác cứu nạn cứu hộ đều là những người giàu kinh nghiệm trong xử lý các tình huống khẩn cấp, sức khỏe tốt, được đào tạo bài bản có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đoàn còn có nhân viên y tế cùng các trang thiết bị, vật tư để kịp thời cấp cứu cho các nạn nhân động đất bị mắc kẹt còn sống sót.
Có thể nói, từ khi nhận lệnh nhiệm vụ cho tới khi lên đường và bắt tay triển khai công tác cứu nạn cứu hộ tại hiện trường xa lạ, cách hàng nghìn km, các cán bộ, chiến sĩ công an thuộc Đoàn công tác cứu hộ nhận nhiệm vụ với tác phong khẩn trương nhất. Tất cả các cán bộ, chiến sĩ Đoàn công tác đã tác nghiệp tại hiện trường với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao nhất cùng sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phía Myanmar nhằm có thể tìm kiếm một cách nhanh nhất các nạn nhân, góp phần xoa dịu nỗi đau thương mất mát to lớn do thảm họa thiên nhiên gây ra.
Khẳng định uy tín, trách nhiệm, năng lực của Công an nhân dân
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Công an Việt Nam cử lực lượng sang hỗ trợ các nước khắc phục, giải quyết thảm họa thiên nhiên. Vào tháng 2-2023, Bộ Công an cũng đã cử đoàn công tác sang Thổ Nhĩ Kỳ dù ở rất xa lãnh thổ Việt Nam để tham gia, hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn sau thảm họa động đất. Qua đó, để lại hình ảnh đẹp về trách nhiệm quốc tế cao cả nói chung, hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân nói riêng trong lòng người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như bạn bè quốc tế cũng như khơi dậy niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam.
Xuất phát từ quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar nói chung, giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan thực thi pháp luật của quốc gia Đông Nam Á này nói riêng, Bộ Công an Việt Nam cử đoàn công tác sang Myanmar với mục đích hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân và cung cấp hỗ trợ nhân đạo, giúp người dân nước bạn khắc phục hậu quả và sớm ổn định đời sống sau thảm họa động đất. Việc tham gia của đội cứu nạn, cứu hộ của Công an nhân dân Việt Nam tại Myanmar đóng góp, chia sẻ một phần sức lực của Việt Nam đối với nhân dân nước bạn.
Thực hiện nhiệm vụ nhân đạo quốc tế tại Myamar lần này do đó cũng thể hiện chính sách đối ngoại ưu việt, trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam; đồng thời khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm, năng lực của Công an nhân dân Việt Nam và Quân đội nhân dân trong hội nhập, hợp tác quốc tế. Trước khi Đoàn cán bộ, chiến sĩ Quân đội và Công an nhân dân Việt Nam sang
Myanmar làm nhiệm vụ nhân đạo quốc tế, những chiến sĩ Quân đội và Công an nước ta cũng đã tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở châu Phi. Những hoạt động này thể hiện cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Là quốc gia từng chịu những năm tháng dài chiến tranh chống xâm lược cũng như các thảm họa thiên tai, Việt Nam luôn đồng cảm, sẻ chia với nhân dân các nước trên khắp thế giới trong những lúc hoạn nạn, khó khăn. Chính vì thế, ngay sau khi xảy ra thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 và hiện nay tại Myanmar, những người chiến sĩ Công an nhân dân và Quân đội nhân dân lại khẩn trương lên đường tới nơi cần họ trong sứ mệnh nhân đạo quốc tế với tinh thần, đạo lý “Thương người như thể thương thân” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Đoàn công tác của Bộ Công an trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myammar xác định đây vừa là trách nhiệm, đồng thời là niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Do đó, theo phát biểu giao nhiệm vụ của Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến, đoàn phải khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, phát huy cao nhất tinh thần "giúp bạn như giúp mình", coi "thiệt hại của bạn như thiệt hại của mình", thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm, nỗ lực cao nhất để giúp bạn nhanh chóng khắc phục thiệt hại, hậu quả động đất; đồng thời, thực hiện truyền thống đạo lý, hình ảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam.
Đoàn công tác phải chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước và ngành Công an trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế, có phân công nhiệm vụ, quy chế làm việc rõ ràng, giữ đúng lễ tiết, tác phong, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các thành viên trong đoàn và phương tiện trong mọi tình huống. Luôn phát huy bản lĩnh, phẩm chất người chiến sĩ Công an cách mạng, nêu cao tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau; đồng thời phối hợp chặt chẽ với đoàn công tác của lực lượng Quân đội nhân dân cùng xây dựng, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam và lực lượng vũ trang Việt Nam.