Nghĩ về văn hóa giao thông

ANTĐ - Trong chúng ta không một ai không đau lòng trước những tai nạn giao thông thảm khốc mà vẫn diễn ra hàng ngày hình như chưa có điểm dừng. Trên những nẻo đường khẩu hiệu vận động an toàn giao thông khá nhiều, rồi biện pháp quyết liệt xử lý, rồi xử lý nghiêm minh, vậy mà vẫn chưa an toàn? Nhà trường giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh, cảnh sát giao thông làm việc không biết mệt mỏi, nhiều cơ sở vật chất được cải tạo, cầu cống được nâng cấp, đường sá được mở rộng và tu sửa nhưng vẫn không xuể, mà rồi ai cũng muốn mình vận chuyển… nhanh tới đích song hai chữ “an toàn” bị văng ra khỏi tầm nghĩ của mọi người. 

Muốn có an toàn thì phải có văn hóa trong giao thông, văn hóa ấy tưởng khó nhưng cũng thật dễ dàng. Trước hết nhiều quy định trong ngành giao thông phải được thực hiện nghiêm ngặt. Đó là trường dạy lái xe không được “nể nang” học viên, ở nước ngoài học lái xe thì luật là chính, kỹ thuật lái xe chỉ là phụ, bởi đường sá của họ đã ổn định và quy củ. Ở ta, người tập lái xe hình như coi thường pháp luật, cứ chỉ tập lái “dẻo” cộng thêm với cái “luật” bất thành văn là… đỗ!? Cứ nhìn trên đường đi ngay ở Hà Nội thôi cũng thấy điều chướng mắt. Ô tô bấm còi inh ỏi (ở Thủ đô Vientian - Lào không có thế), rồi vượt cả vạch vôi thẳng, khi vắng cảnh sát thì vượt đèn đỏ, người lái không thắt dây bảo hiểm, ô tô khách bắt khách ngoài bến vô tội vạ… Đó còn do kiểm định “nể nang”.

Vậy có khác nào khám bệnh, biết bệnh mà không cần uống thuốc thì bệnh khỏi sao được? Đó còn là do người tham gia giao thông bằng xe máy, nhất là thanh niên đã tạo ra thói quen “luồn lách”, tìm đủ mọi cách để tranh thủ vượt lên đám đông, lao lên hè, thậm chí không đội mũ bảo hiểm và nhiều người có đội mũ bảo hiểm nhưng chỉ là mũ rởm, đến khi xảy ra tai nạn mới thấy ân hận.

Rồi nhiều trường hợp đã lặp đi lặp lại nhiều lần về hành vi vượt đường tàu hỏa gây hậu quả xấu… đến kinh hoàng, ấy vậy mà sao vẫn tái diễn.

Chúng ta đều biết hạ tầng cơ sở giao thông của chúng ta còn nhiều bất cập vậy thì ngay trước mắt vấn đề ý thức của người tham gia giao thông vẫn là cốt yếu. Tôi thấy nhiều hãng xe khách quảng cáo là xe cao cấp, đấy là cao cấp về phương tiện, nhưng người lái xe, phụ xe thì ý thức vẫn thấp cấp lắm. Bằng chứng là nhiều anh lái xe vẫn uống rượu, ngủ gà, phóng nhanh giành đường. Thế thì gây ra tai nạn là khó tránh khỏi, lúc ấy xe có là loại cao cấp bọc thép thì cũng “tan chảy” trước đèo cao, dốc hiểm. 

Khi chúng ta còn coi những chuyến ra đi trên đường là những cuộc đua, bứt phá tốc độ, mạo hiểm, tranh giành, lạng lách, và coi thưởng luật lệ, biển báo thì những cuộc ra đi ấy khó mà “trở về” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nếu trong đầu những người tham gia giao thông luôn có chứ văn hóa thôi thì chắc chắn việc giảm thiểu tai nạn là không nhỏ. Văn hóa nhường nhịn, văn hóa không uống rượu, không hút thuốc, không ngủ gật, văn hóa là biết chạy đúng tốc độ cho phép thì dù đường hẹp, xe đông cũng khó mà va chạm. Tham gia giao thông với cái đầu thông minh, trái tim biết yêu thương, thì đó chính là người có trách nhiệm với xã hội, với đồng loại.