Nghĩ về những điều không thể nghĩ

ANTĐ - “Vụ” Tiên Lãng chưa khép lại – tòa chưa xử, những người được kiểm điểm vẫn còn đang kiểm điểm để trước hết tự vấn lương tâm mình và tiếp nữa là nhận lấy những gì cần phải nhận để rồi tự vấn tiếp – nhưng sau kết luận được cả nước đồng tình của Thủ tướng Chính phủ thì đã có thể lan man về những hệ lụy được rồi.
Nghĩ về những điều không thể nghĩ ảnh 1
Ông Lê Văn Hiền bị đình chỉ chức Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng


Tại sao người ta có thể “cưỡng” lấy được rồi bảo vệ cái sai đến cùng như vậy, từ trên xuống dưới, từ cơ quan quyền lực nọ đến bộ phận chứ năng kia, “đồng thanh tương ứng” vì cái gì? Và khi đã không thể làm như vậy thì người ta lại nhất loạt im lăng, nhất loạt tự khóa mồm, khóa miệng, để đợi ngày “chìm xuồng” hay để chứng tỏ “đồng khí tương cầu”? Ừ, có thể là do thiếu hiểu biết, thiếu cập nhật nên diễn giải luật sai; có thể nữa là do phần nào đó thiếu dũng khí, biết sai mà không dám nhận bởi nếu làm vậy thì e…mất ăn luôn (theo nghĩa đen kịt như bồ hóng); nhưng bằng những luận cứ có vẻ lý tình ấy làm sao có thể giúp giải thích được việc cả một hệ thống công quyền “tắt hết điện”? Phải tìm đến chỗ nào để có thể có được câu trả lời cho cái “tại sao” đây?

Tìm đến “cấp trên” của Tiên Lãng ư? Thì ông Phó Chủ tịch thành phố đã luýnh quýnh giải đáp rồi đấy. Vả lại, từ “kinh nghiệm lịch sử”, người ta có quyền và có lý hỏi rằng, nếu Thủ tướng không vào cuộc quyết liệt, nếu báo chí không “chiến đấu” đến cùng, liệu thành phố có tổ chức được – dù là vào phút 89 – một cuộc họp báo để giải giới hoài nghi, minh bạch hóa các quan điểm và sự kiện như vậy không, hay là…? Có ví dụ đấy: thành phố chẳng vừa định bổ nhiệm cái “ông luýnh quýnh” ấy (ở nước khác thì đã có thể từ chức được rồi) phụ trách tổ công tác triển khai kết luận của Thủ tướng đó sao?

Cái thành phố anh hùng nổi tiếng “trung dũng, kiên cường” một thời chiến tranh, cái thành phố đi đầu trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế làm nên “bốn cống, ba cầu, năm cửa ô” (đó là câu thành ngữ cửa miệng, thực tế là chín cống, bốn cầu,…) cùng với hàng trăm công trình khác những năm khó khăn nhất một thời hòa bình; và cũng chính cái thành phố ấy lại ít nhiều tự chìm khuất đi trong những tháng năm Đổi Mới (do mệt mỏi chăng?) thì nay bỗng liên tiếp trở thành tiêu điểm cho những lình xình đất đau: Ngã Năm, Quán Nam, Đồ Sơn, Tiên Lãng và “chấm, chấm, chấm”. Liên tiếp vụ sau “to” hơn vụ trước, vụ nào cũng dính đến “quan”. Đem cái không hiểu nổi, đem cái “tại sao” ấy hỏi người lãnh đạo vang danh một thời của thành phố Cảng, ông cười mà vẻ thì buồn: “Họa, phúc hữu môi phi nhất nhật” (thảy đều có nguyên nhân sâu xa).

Công luận có thể tin “vụ Tiên Lãng” rồi sẽ có được kết quả thỏa đáng trước pháp luật. Nhưng còn những “vân vân” khác ngoài pháp luật, ai sẽ xử? Và liệu có xử được không?

Những “vân vân” này mới là nguyên nhân thực sự, nguyên nhân lũng đoạn, nguyên nhân quyết định tạo nên vụ việc. Quan sát từ những động thái liên quan, từ những thông tin mà báo chí nhất loạt đưa lại, không thể không đặt ra nghi vấn: vụ Tiên Lãng có là sản phẩm của một “nhóm lợi ích”? Có cả đấy những nhân vật điển hình của “nhóm”: những kẻ có quyền và những kẻ có tiền, hai thứ có thể khuynh đảo mọi thứ. Thêm vào đấy còn có nhân vật thứ ba, rất đặc trưng cho các “nhóm lợi ích” kiểu này; cộm cán, đầu gấu. Xin dẫn ra đây một tình huống; khi ông Vương kiện UBND huyện Tiên Lãng lên tòa về quyết định thu hồi đất sai luật thì trước tòa, người đại diện của bên bị hứa sẽ tiếp tục cho thuê nếu bên nguyên rút đơn kiện. Kết quả: đơn được rút lui khỏi tòa và lệnh cưỡng ập đến. Mafia?

Vâng, nhóm lợi ích chính là một thứ mafia, xã hội đen. Điều không may là cách hành xử của nó chưa bị chế tài bởi pháp luật, trừ khi phạm luật. Nhưng điều may là ở xã hội ta thuở nào thì thứ này cũng bị nghiêm khắc lên án, bởi nó vô đạo đức. Nghị quyết của T.Ư vừa khẳng định sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, lối sống của một phần không nhỏ cán bộ, đảng viên và mạnh mẽ đưa ra những biện pháp khắc phục liệu có kịp làm chỗ dựa và vũ khí cho sự lương thiện ở địa phương? Mà câu chuyện này đâu chỉ có ở một Tiên Lãng, Hải Phòng? Bốn phần năm các vụ khiếu kiện là về đất đai mà trong đó thấp thoáng không ít hình bóng Tiên Lãng!

Nói rằng có tới bốn phần năm các vụ khiếu kiện trên toàn quốc liên quan đến đất đai thì ta hãy thử giả định, nếu một ngày nào đó không còn tồn tại cái “bốn phần năm” ấy nữa thì điều gì xảy ra? Bao nhiêu năng lượng sẽ được giải phóng, bao nhiêu tiền của không phải đổ xuống sông xuống biển, xã hội sẽ yên bình biết bao và sau hết, Chính phủ sẽ yên tâm mà điều hành, chứ còn gì nữa?

Lại thử hỏi, có nơi nào trên thế gian này mà những bức xúc đất đai của  người dân nhiều hơn xứ ta?

Hỏi để nhắc lại điều mà nhiều nhà kinh điển từng đề cập: “Vấn đề nông dân là vấn đề ruộng đất”. Để thêm một lần chia sẻ với những trăn trở máu thịt của người cày. Để nghĩ nữa, nghĩ thêm nữa đi…. Sự thực là trong nền kinh tế - chính trị của nước ta hiện nay, mọi người đều có quyền có tài sản, không giới hạn, nhưng nông dân thì không, vẫn là vô sản về phương tiện sản xuất chủ yếu của mình.

Nếu ra như thế không để trình bày một nghịch lý vì người cày vẫn có “quyền sử dụng” đất – một khái niệm tiến rất sát đến “quyền sở hữu” mà Luật Đất đai 2003 mang lại. Tuy nhiên, “quyền sử dụng” ấy là có thời hạn (nghĩa là treo) và nhất là bị ràng buộc bởi cơ chế “xin – cho” mà kẻ cho lại là những con người cụ thể được Nhà nước (cũng là toàn dân) ủy quyền. Những gì xảy ra thì ta đã rõ. Và đây mới là nghịch lý: người lẽ ra có quyền sở hữu thật cuối cùng lại bị chi phối (thậm chí đè nén, như trường hợp đang đề cập) bởi kẻ có quyền sở hữu ảo.