Nghĩ trước nghĩ sau

ANTĐ - Một nhà sư dẫn theo chú tiểu qua làng nọ, gặp ngay một cảnh tượng khó coi. Bọn trẻ buộc cổ con mèo nhỏ bằng một sợi thừng, dìm xuống nước rồi lại kéo lên, lại dìm, bất chấp con mèo giãy giụa kêu. Vị sư già thấy vậy đứng yên chắp tay niệm Phật, còn chú tiểu lần túi lấy mấy đồng tiền hỏi mua con mèo. Bọn trẻ chơi chán, giật lấy tiền rồi buông tha con vật đáng thương.

Chú tiểu vui vẻ hỏi thầy: cứu một mạng hơn xây bảy tầng tháp, con cứu được con mèo, cũng coi là làm việc tốt nhỉ? Nhà sư nhắm mắt nói, e rằng con không cứu được mạng con mèo. Chú tiểu nhìn lại, mới thấy con mèo nhỏ đã mềm nhũn, bụng trương phềnh, nước hòa lẫn máu không ngừng chảy ra từ mũi, bèn rơi nước mắt, kêu ầm lên bảo thầy giúp. Song nhà sư chỉ lắc đầu: “Giờ không kịp nữa rồi”.

Lúc ấy, một người phụ nữ từ trong làng đi tới, thấy con mèo trên tay chú tiểu bèn mắng ầm lên: “Người xuất gia gì mà ác độc, hại chết một con mèo khốn khổ thế kia”. Chú tiểu vội phân bua rằng mình không làm gì, chỉ cố cứu nó, nhưng người phụ nữ nọ càng tức giận, chửi mắng không tiếc lời, thậm chí còn quay sang mắng nhà sư không biết dạy đồ đệ. Đợi khi bà ta đi khỏi, chú tiểu mới hậm hực hỏi thầy vì sao không nói đỡ mình một tiếng. Nhà sư bèn đáp: “Giải thích cũng có tác dụng gì?”. “Nhưng giải thích còn hơn là im lặng. Bọn trẻ đó ác độc, còn người phụ nữ ấy thì hồ đồ. Làm việc tốt cuối cùng không được báo đáp, chả làm cho xong”. “Con sai rồi. Nếu làm việc một cách tự nhiên chủ nghĩa, cứ tưởng tốt, tưởng hay là làm, thì không những không khiến người ta cảm kích, mà từ chuyện tốt còn trở thành chuyện xấu nữa kia”, nhà sư từ tốn nói.