Nghi Tàm, quê hương nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh

(ANTĐ) - Nghi Tàm, quê hương nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh (Bà Huyện Thanh Quan) với những bài thơ nổi tiếng Qua đèo Ngang, Thăng Long hoài cổ, từ thời Lý là nơi  có bến trúc vàng óng ả và rợp bóng chim sâm cầm.

Nghi Tàm, quê hương nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh

(ANTĐ) - Nghi Tàm, quê hương nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh (Bà Huyện Thanh Quan) với những bài thơ nổi tiếng Qua đèo Ngang, Thăng Long hoài cổ, từ thời Lý là nơi  có bến trúc vàng óng ả và rợp bóng chim sâm cầm.

Đó là hai trong tám cảnh đẹp nổi tiếng của Hồ Tây và thường được các vua đến ngắm cảnh, vịnh thơ. Tương truyền, công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông rời cung điện ra tu hành, dạy cho các cung nữ nghề trồng dâu, chăn tằm kéo tơ rồi truyền lại cho dân làng.

Chùa Kim Liên
Chùa Kim Liên

Thời Trần, trại tằm tang đổi tên là phường Tích Ma, thời Lê đổi  tên là  phường Nghi Tàm do thời Hậu Lê, tiểu thư Quỳnh Hoa cùng chồng là Liễu Nghị, Tri Phủ Phụng Thiên về ở đây, đã khôi phục lại nghề tằm bị mai một, đưa cung nữ ra cùng dân chăn tằm kéo tơ dệt lụa khổ nhỏ, làm cho Nghi Tàm trù phú hơn trước. Dân nhớ ơn, thờ vợ chồng bà ở đình làng và tôn bà làm Thành Hoàng làng.

Bên những vườn dâu xanh ngắt lan rộng ven hồ, người dân Nghi Tàm sớm sớm đi thuyền nhẹ như trôi trong sương, thả lưới, đánh bắt cá. Cảnh đẹp ấy đã được Nguyễn Huy Lượng tả thật sống động trong bài phú “Tụng Tây Hồ”:

Chày Yên Thái nện trong sương loảng xoảng

Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”.

Và chiều chiều, từng đàn sâm cầm bay về bến đỗ ở Nghi Tàm, líu lo… Sâm cầm là loài chim quý hiếm, lại chỉ tụ về đây nên triều đình bắt dân làng hàng năm phải tiến cúng sâm cầm. Đến thời Nguyễn, ông Lý Râu nhờ Bà Huyện Thanh Quan vào tận Huế, xin vua Tự Đức bỏ lệ trên, giảm nỗi khổ cho dân, được vua chấp thuận.

Nhưng rồi sâm cầm cũng như bến trúc mất dần bởi những biến đổi trong binh lửa, can qua… Nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh đã rầu lòng cảm tác bài thơ Thăng Long hoài cổ.

Đến thăm quan Nghi Tàm và chùa Kim Liên, một trong những di tích và danh thắng đẹp nhất ven Hồ Tây, chúng ta sẽ được lắng hồn trong không gian đầy hương thơm cây trái của ngôi chùa mà công chúa Từ Hoa đã tu hành.

Được xây dựng cuối thời Trần trên nền cũ của cung Từ Hoa, công chúa thời Lý, đến triều vua Lê Nhân Tông, chùa được xây dựng lại và đổi tên là Đại Bi. Năm 1736, chúa Trịnh Sâm sai các quan đem gỗ từ chùa Bảo Lâm sang trùng tu và đổi tên là Kim Liên Tự (Bông sen vàng).

Chùa kiến trúc theo hình chữ Tam, ba ngôi Trung, Thượng, Hạ kết nối với nhau, mô phỏng kiến trúc chùa Tây Phương. Cả ba nếp chùa đều xây tám mái với tám đao cong vút, uyển chuyển, lợp ngói mũi hài.

Tòa chính của chùa có 5 gian với cửa bức bàn; hai đầu hồi trang trí vòng âm dương thể hiện quan niệm sắc sắc - không không của Đạo Phật. Đặc biệt, tam quan chùa là công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo, khác hẳn với các chùa đẹp nổi tiếng của Hà Nội.

Toàn bộ tam quan dài 7m, kết cấu theo kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái đặt trên một hàng bốn cột kê  chân là các tảng đá được chạm khắc hình cánh sen.

Ba cửa ra vào được bàn tay điêu luyện của nghệ nhân chạm trổ rất tinh tế  hình hoa cúc, trúc. Đến nay, chùa còn lưu giữ được các bia đá, trong đó tấm bia cổ nhất dựng năm Thái Hòa nguyên niên(1443).

Tấm bia dựng ngày 22-9-1639 (năm Dương Hòa thứ 5) ghi lại việc trùng tu chùa Đại Bi và tấm bia dựng ngày 24-6-1868 (năm Tự Đức thứ 21) đề “Kim liên tự bi ký” cho  chúng ta biết rõ những lần chùa được trùng tu; đổi tên.

Chùa có 47 pho tượng được tạc thời Lê, Tây Sơn và thời Nguyễn; trong đó có 35 pho tượng Phật; mỗi pho biểu hiện nét  sống động với  nội tâm riêng. ở chùa Thượng có tượng công chúa Từ Hoa mặc áo trắng và Quỳnh Hoa mặc áo đỏ, dân đều tôn là Bà chúa nghề tằm.

Được xây dựng muộn hơn chùa Kim Liên, đình Nghi Tàm có  từ thời Lê và thờ sáu vị là Thượng đẳng tối linh thần: Minh Khiết Dực thánh thần; Triều Đình Phù Quốc thần; Bảo Trung cương Đoán thần; Hoàng Hiệp Tây Hồ Thủy thần; Lỗ Quốc Thái Sư thần; Quỳnh Hoa Đoan Trang Công Chúa thần.

Xưa, đình Nghi Tàm to đẹp khang trang gồm  5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Các gian đều được làm bằng khung gỗ lim chắc khỏe, chân cột đình đều lát đá xanh. Đến nay, đình chỉ còn 3 gian hậu cung, lưu giữ nguyên vẹn ngai thờ, cửa võng với các họa tiết chạm trổ rất tinh xảo.

Bốn bia hậu mang 4 kiểu dáng và chạm họa tiết trên đá khác nhau mang phong cách thời Lê, có giá trị thẩm mỹ cao. Hàng năm, dân  Nghi Tàm tổ chức lễ hội vào ngày 9 và 10-2 Âm lịch tưởng nhớ các vị Thành  hoàng.

Nghi Tàm hôm nay không còn xanh mướt ngàn dâu. Khoảng 15 năm trở lại đây, nghề trồng hoa cây cảnh của người Nghi Tàm đã bị mai một trong xu hướng đô thị hóa.

Nghệ nhân Lê Hữu Quyết - bàn tay vàng của nghề trồng hoa cây cảnh, là người duy nhất của làng còn giữ được mảnh vườn nhỏ trồng cây cảnh trước nhà.

Đi trên con đường làng độc đạo quanh co giữa những ngôi biệt thự  san sát  cho người nước ngoài thuê, chợt ngùi ngùi nhớ câu thơ của nữ sĩ trong bài Thăng Long thành hoài cổ: “Ngựa xe lối cũ hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.                     

Kim Thanh