Hạ nghị sĩ Mỹ Madeleine Bordallo:

“Nghị quyết Biển Đông gửi đi thông điệp rõ ràng”

ANTĐ -  Đây là khẳng định của Hạ nghị sỹ Mỹ Madeleine Bordallo về nghị quyết kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông được Hạ viện Mỹ thông qua tuần trước. Bà Bordallo cũng là người đồng bảo trợ cho nghị quyết này. 

“Nghị quyết Biển Đông gửi đi thông điệp rõ ràng” ảnh 1
- PV: Thưa Hạ nghị sỹ  Bordallo, vì sao bà lại quyết định đồng bảo trợ cho nghị quyết về Biển Đông và Hoa Đông?

- Hạ nghị sĩ Bordallo: Quê hương tôi là đảo Guam, có thể coi là láng giềng của Việt Nam. Tôi nắm rất rõ về các tranh chấp tại Biển Đông nên ngay khi nghị quyết được đưa ra, tôi nghĩ rằng đây là vấn đề rất quan trọng và quyết định đồng bảo trợ nghị quyết này. Nghị quyết phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ ủng hộ các nỗ lực tìm kiếm giải pháp đối với tranh chấp tại Biển Đông.

- PV: Nghị quyết đã được 100% Hạ nghị sỹ Mỹ tán thành và đây cũng là lần đầu tiên một nghị quyết về Biển Đông được Hạ viện Mỹ thông qua. Bà đánh giá thế nào về điều này?

- Hạ nghị sĩ Bordallo:   Hiện nay Mỹ đang tập trung vào chính sách tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương và can dự rất sâu vào quá trình này. Hạ viện Mỹ rất quan tâm đến chiến lược xoay trục cũng như tranh chấp tại Biển Đông, đặc biệt là Ủy ban Quân lực mà tôi là thành viên. Quốc hội Mỹ cho rằng tranh chấp trên Biển Đông liên quan đến rất nhiều nước và việc giải quyết tranh chấp này đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh Mỹ đang chuyển trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương.  

- PV: Theo bà thì nghị quyết này sẽ có tác động như thế nào đối với chính phủ Mỹ cũng như các bên liên quan tại Biển Đông?

- Hạ nghị sĩ Bordallo:  Với việc thông qua nghị quyết về Biển Đông, Quốc hội Mỹ đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi muốn tranh chấp được giải quyết giữa các bên liên quan và qua đó giúp quan hệ giữa các nước dễ dàng hơn. Nghị quyết cũng tái khẳng định lập trường của Mỹ trong chính sách tái cân bằng và chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế và an ninh trong khu vực. Điều quan trọng là tranh chấp đã tồn tại nhiều năm nay và có thể leo thang, trở nên nguy hiểm. Do vậy, tôi cho rằng nếu có thể giải quyết được những tranh chấp này, tình hình an ninh cũng như quan hệ kinh tế trong khu vực sẽ được tăng cường, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đàm phán hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tôi cho rằng đây là một trong những nghị quyết quan trọng nhất đối với khu vực.