Nghị lực phi thường của cặp vợ chồng khiếm thị

ANTĐ - Họ là hai người mù lòa ở hai phương trời khác nhau, nhưng số phận đã sắp xếp cho họ gặp nhau, rồi cảm mến bằng tâm hồn đồng điệu để xếp lại hai mảnh đời vỡ thành một hạnh phúc hoàn chỉnh. Cả hai đã dìu nhau qua bóng tối của số phận để xây nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường, gây xúc động lòng người. Bằng nghị lực cùng với việc biết nắm bắt thời cơ, đôi vợ chồng mù đã làm giàu trên chính đôi chân của mình. Không những vậy, họ còn tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ. 

Nghị lực phi thường của cặp vợ chồng khiếm thị ảnh 1Ba mẹ con chị Hoa trong ngôi nhà hạnh phúc của mình

Tình yêu từ trong bóng tối

Tổ ấm của gia đình anh Trương Thế Trung và chị Phan Thị Hoa (SN 1980) nằm cuối con đường Hàm Nghi, thuộc khối Đông Thọ, phường Hưng Dũng, TP.Vinh (Nghệ An) đơn sơ nhưng ngăn nắp và luôn tràn ngập tiếng cười. Khi chúng tôi đến thăm, anh Trung đang đưa tăm của Hội người mù đi bán tại các tỉnh phía Nam, bên hai đứa con xinh xắn, chị Hoa nở nụ cười hạnh phúc khi hồi tưởng lại mối lương duyên của mình. Chị Hoa là con gái thứ 5 trong gia đình có 6 chị em. Lúc sinh ra, Hoa là một đứa trẻ bình thường, tuy nhiên năm lên 5 tuổi mắt chị bỗng mờ dần. Lúc đầu, mọi người trong gia đình nghĩ con gái bị đau mắt thông thường nên chỉ dùng thuốc nhỏ mắt. Nhưng chỉ một thời gian sau, đôi mắt càng mờ dần. Lúc này gia đình mới hoảng hốt đưa con gái đi đến bệnh viện khám, nhưng mọi chuyện đã quá muộn khi chứng bệnh viêm màng bồ đào không thể chữa trị được nữa. Từ đó, Hoa phải sống trong bóng tối. Dù vậy, ước mơ con chữ vẫn luôn bỏng cháy trong tâm hồn cô bé bất hạnh này. 

Thấy con gái khao khát được đến trường, năm 1993, bố mẹ chị Hoa đã đưa con đến Trung tâm giáo dục dạy nghề người tàn tật tỉnh Nghệ An để học tập. Tại đây, chị đã gặp được anh Trương Thế Trung một người cùng cảnh ngộ. Anh Trung quê ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), là con trai đầu trong gia đình có 2 người con. Năm lên 2 tuổi, đôi mắt của anh bỗng dưng không thể nhìn thấy gì. Thương con, gia đình cũng đã đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không khỏi. Vì cùng tuổi, lại đến nhập học cùng một ngày nên hai người được xếp ngồi chung một bàn. Đồng cảm với hoàn cảnh của nhau, anh chị trở thành đôi bạn thân, cùng giúp đỡ, chia sẻ với nhau mọi chuyện vui buồn trong cuộc sống. Thời gian học trong trung tâm, cả hai luôn động viên nhau cố gắng học tập, gắng tìm cho mình một cái nghề để mưu sinh. Rồi giữa hai con người tàn tật đã nảy sinh tình cảm với nhau. Tuy nhiên, họ chỉ dám để trong lòng bởi cả hai người đều không dám nói ra điều ấy. Thấm thoát 7 năm học trôi qua, anh Trung trở về quê nhà Thanh Hóa. Ngày chia tay mặc dù rất buồn nhưng họ cũng không thể làm gì khác ngoài lời chúc người kia luôn mạnh khỏe, còn tình cảm trong lòng đều được cả hai giấu kín.

Về quê, Trung sinh hoạt trong Hội người mù tỉnh Thanh Hóa. Vốn có năng khiếu âm nhạc, biết chơi nhiều loại nhạc cụ như ghita, sáo… anh lập ban nhạc, đi hát trong các đám cưới để mưu sinh. Còn chị Hoa trở thành giáo viên dạy chữ nổi Brai ở Hội người mù thành phố Vinh. Mặc dù mỗi người một nơi, nhưng cả hai người thường xuyên viết thư từ thăm hỏi, động viên nhau. Và những bức thư đã nói hộ tình cảm sâu kín trong lòng họ. Hai người đều nhận thấy họ là một nửa đích thực của mình. Năm 2006, Trung vào thành phố Vinh lập nghiệp, vừa có cơ hội gần người yêu. Nhưng khi quyết định đến bên nhau, cha mẹ hai bên đều không đồng thuận vì họ lo lắng: một người mù đã khổ rồi, hai người mù thì bất hạnh nhân đôi, lỡ con cái sau này cũng bị mù như vậy thì ai chăm sóc. 

Hoa suy nghĩ và khóc rất nhiều. Cô khóc không phải vì hờn trách cha mẹ, mà vì tủi cho số phận mình. Bất hạnh đã không cho cô ánh sáng, nay lại nhẫn tâm khước từ quyền được yêu, được có chồng và quyền làm mẹ ư? Hoa bị mù nhưng trái tim chan chứa niềm khao khát yêu đương. Sau thời gian dài thuyết phục cha mẹ, đôi bạn trẻ mù đã khiến bố mẹ đồng ý. Năm 2007, một đám cưới giản dị ấm cúng của đôi vợ chồng được diễn ra trong sự chúc phúc của họ hàng, bạn bè. Trong lễ cưới đó, tất cả những MC, ca sĩ và ban nhạc đều là những người khiếm thị, bạn bè của đôi vợ chồng mù.

Tự luyện tập thói quen để chăm sóc con nhỏ

Như một phép lạ, sau đám cưới không lâu, con mắt bên phải chị Hoa bỗng cảm nhận được những tia sáng yếu ớt. Ngay lập tức, gia đình liền đưa chị đến bệnh viện kiểm tra, tại đây các bác sĩ tiến hành mổ mắt cho chị. Sau khi phẫu thuật, tuy mắt bên phải không thể nhìn rõ hoàn toàn, nhưng vẫn có thể thấy mờ mờ, với thị lực khoảng 1/10. Điều này khiến mọi người trong gia đình anh chị vô cùng hạnh phúc, ai cũng nghĩ rằng có lẽ trời Phật cảm động trước tình yêu của đôi vợ chồng trẻ nên đã phù hộ cho chị Hoa có thể nhìn thấy ánh sáng cuộc đời để chăm lo cho gia đình. Một năm sau đám cưới, cậu con trai đầu lòng ra đời trong niềm vui vô bờ của gia đình nhỏ. Nhưng nỗi lo về chuyện đứa con bị mù giống như bố mẹ vẫn luôn thường trực trong đôi vợ chồng này. May thay, đứa bé hoàn toàn, khỏe mạnh. Và khi nỗi lo này được giải quyết, anh chị phải đối mặt với nhiều khó khăn khác từ việc chăm con, nuôi con. Nhiều khi đêm khuya con nhỏ lên cơn sốt cao, hai vợ chồng đều mù lòa nên không biết làm sao để đưa con đến bệnh viện, bà ngoại thì tuổi cao, sức yếu vì vậy phải nhờ cậy những gia đình hàng xóm giúp đỡ. 

Điều kiện kinh tế họ hàng hai bên đều khó khăn, vì vậy cũng không giúp gì được cho đôi vợ chồng tật nguyền. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình chị Hoa đều trông cậy vào khoản tiền đi đánh đàn ở các đám cưới của người chồng và số lương ít ỏi mà chị Hoa đi dạy học ở hội người mù. Tuy gặp nhiều khó khăn vất vả, nhưng anh chị luôn yêu thương và động viên nhau cố gắng vượt qua. Để có thêm thu nhập cho gia đình, vợ chồng chị Hoa quyết định mở cơ sở tẩm quất để kinh doanh. Đây là nghề mà hai vợ chồng được học khi ở trung tâm giáo dục dạy nghề người tàn tật của tỉnh.  Mới đầu không có vốn anh chị phải đi vay mượn họ hàng được số tiền hơn 20 triệu đồng để thuê kiôt và sắm sửa các trang thiết bị. Vạn sự khởi đầu nan, việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, mỗi ngày cơ sở tẩm quất của anh chị chỉ có rải rác 1, 2 khách. Nhưng cuối cùng những nỗ lực của họ cũng được đền đáp xứng đáng, dần dần khách hàng đến sử dụng dịch vụ rất đông bởi họ nhận thấy chất lượng phục vụ từ cơ sở tẩm quất của anh chị hơn hẳn các cơ sở khác. Sau đó vợ chồng chị Hoa mở rộng cửa hàng và thuê thêm nhiều lao động khác.

Hiện, cơ sở tẩm quất của họ có 5 lao động làm việc, với mức lương từ 2 đến 3 triệu đồng một tháng. Điều đặc biệt, những lao động này đều là những người bị khiếm thị, có hoàn cảnh khó khăn từ khắp nơi được anh chị nhận vào học nghề và tạo công ăn việc làm. Sau một thời gian ngắn hai vợ chồng đã gom góp, tiết kiệm và cất được một ngôi nhà 2 tầng khang trang làm tổ ấm cho gia đình nhỏ. Hiện chị Hoa là Chủ tịch Hội người mù thành phố Vinh. Còn anh Trung cũng là hội viên trong tổ tiêu thụ tăm tre do Hội người mù sản xuất. Bây giờ cậu con trai đầu đã đi học mầm non, còn đứa con thứ hai đã được 2 tuổi. Vì biết hoàn cảnh gia đình mình, nên bé cũng có ý thức sớm. Chị bảo, những đứa con là nguồn động viên, niềm hi vọng để anh chị vượt qua cơn dâu bể cuộc đời. Đôi vợ chồng mù đã chứng minh cho mọi người một chân lý, tình yêu là điều thiêng liêng có thể giúp họ vượt qua mọi rào cản trên đường đời.