Nghị lực của Thương Sobey và những câu hỏi còn dang dở

ANTĐ - Ngày 17/3, một số chủ nhân tài khoản Facebook “chỉn chu” đã đăng những dòng trạng thái đầy cảm xúc và tiếc thương khi “Thương Sobey” (Nguyễn Thị Khánh Thương) – một phụ nữ nỗ lực chống lại căn bệnh ung thư vú quái ác – đã qua đời. Thương Sobey ra đi, để lại nhiều nuối tiếc, không ít trăn trở và cả những câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp.

“Thương Sobey là ai?”

Câu hỏi này có lẽ sẽ bị những người quan tâm tới các vấn đề xã hội coi là đầy ngớ ngẩn, bởi những gì Nguyễn Thị Khánh Thương (thường được gọi với biệt danh “Thương Sobey”) làm được cho cộng đồng đã đủ để trả lời tất cả.

Sinh năm 1982, là giảng viên khoa Báo chí của trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, Thương Sobey đã “bén duyên” với nhiều hoạt động từ thiện xã hội từ năm 2006.

Nụ cười tự tin của Thương Sobey luôn là hình ảnh rất đẹp 

Khi biết mình mắc phải căn bệnh ung thư vú quái ác, trải qua thời khắc buồn bã, tuyệt vọng, Thương Sobey đã vùng lên mạnh mẽ, để kiên cường chiến đấu với “kẻ thù” không rõ mặt, và quan trọng hơn, là tiếp thêm sức mạnh cho những phụ nữ cùng cảnh ngộ để họ biết yêu từng giây, từng phút có mặt trên cõi đời.

Những gì Thương Sobey đã làm sau khi đối mặt với biến cố lớn nhất cuộc đời cô vẫn luôn gắn chặt với lẽ sống hướng thiện mà Thương Sobey theo đuổi từ xưa, vậy nên dự án Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam - Breast Cancer Network Vietnam (BCNV) đã ra đời từ năm 2013, nhằm cung cấp thông tin, tài liệu, và là nơi chia sẻ của phụ nữ quan tâm hoặc đang chiến đấu với ung thư vú.

Nhưng…

Dù làm được nhiều điều như vậy, dù được biết rộng rãi qua mạng xã hội Facebook bằng những nỗ lực phi thường của mình, Thương Sobey vẫn… chẳng là gì nếu so về độ “nổi tiếng” với các ngôi sao thần tượng của giới trẻ.

Thử so về “cộng đồng fan” xem, làm sao Thương Sobey “đọ” được với nhóm nhạc Super Junior của Hàn Quốc? Với nam ca sỹ điển trai Bi Rain? Hay đơn giản là với những tên tuổi trong làng giải trí Việt?

Tất nhiên, nêu ra như vậy không phải vì mục đích so sánh đơn thuần, hay xem mức độ tác động xã hội mà mỗi tổ chức/nhân vật tạo ra. Hãy chỉ nhìn một cách tương đối để thấy: “Hiện tượng Thương Sobey” đã tác động tới một bộ phận người trưởng thành, “biết nghĩ”, trong khi với không ít người trẻ tuổi thì… “Cô ấy là ai?”

Có thể tồn tại những bạn trẻ khóc nức nở chỉ vì được nhìn… từ xa “thần tượng” ca nhạc, song họ chẳng sẵn sàng biết dự án cộng đồng của Thương Sobey là gì.

Có thể còn đó những bạn trẻ sẵn sàng lao lên sân khấu để hôn chiếc ghế mà “thần tượng” vừa sử dụng, nhưng lại không có đủ thời gian để quan tâm những người mắc ung thư đang được dự án của Thương Sobey hỗ trợ.

Đó có lẽ là sự mâu thuẫn “chua chát” nhưng dễ thấy trong cuộc sống vốn nhiều phức tạp, với những bạn trẻ sống không mục đích, thiếu lý tưởng so với một người bệnh đang phải chiến đấu để giành giật sự sống cho mình và mang tới những điều hữu ích cho người khác.

Gần đây, dư luận rộ lên tình trạng bạo lực học đường đáng báo động, trong đó, những bạn trẻ khỏe mạnh không tiếc sức “cống hiến” cho cuộc ẩu đả mà lý do “chẳng đầu chẳng cuối” tới khó hiểu.

Và ngoài đường, không ít thanh niên vẫn hàng ngày vít tay ga xe máy thật chặt để thỏa cái thú phóng tốc độ cao giữa chốn đông người mà chẳng nghĩ tới tới bản thân và những người xung quanh.

Còn nhiều lắm những trường hợp “phá sức” của giới trẻ, mà bỗng thành những trăn trở khi đặt cạnh câu chuyện của Thương Sobey. Nếu những người trẻ dành một khoảng thời gian để đọc tâm sự của người nữ giảng viên vừa mất trong cuộc đua dang dở để hỗ trợ những người phụ nữ bị ung thư vú khác, họ có trăn trở không, hay chỉ đặt một câu hỏi bâng quơ: “Thương Sobey là ai?”

Đừng để "Thương Sobey" thành... quá khứ

Tới đây, nhiều người sẽ cho rằng nếu nói về những mặt tiêu cực của giới trẻ, khi nhìn từ góc tích cực của Thương Sobey, thì nói mãi cũng chẳng hết. Bởi “người ta đã không biết quý cái mà mình đang có, thì nói cũng bằng thừa”, như lời than vãn của một bác cao tuổi trầm ngâm trước những thông tin phiền lòng về các bạn trẻ phung phí sức khỏe và thời gian cho những điều phù phiếm.

“Quý cái mà mình đang có”, nói tới đây thì nhiều người quan tâm tới Thương Sobey và những dự án của cô chắc hẳn sẽ băn khoăn: Liệu những dự án còn dang dở mà người phụ nữ đầy nghị lực ấy theo đuổi, sẽ đi về đâu?

Không phải những người chung tay với Thương Sobey trong các dự án là kém cỏi, nhưng một khi mất đi “người thủ lĩnh tinh thần” thì thật khó để nói về tương lai.

"Ngọn lửa Thương Sobey" cần những con người và giải pháp hiệu quả để duy trì "sức nóng"

Nhưng cũng chính lúc này đây, người ta mới dễ nhận ra, cách tưởng nhớ Thương Sobey tốt nhất, hiệu quả nhất không phải chỉ là vài lời nói, là vài giây phút rưng rưng ngắn ngủi sau khi nghe tin cô qua đời, mà chính là nỗ lực chung để gìn giữ, phát huy những dự án từ thiện từng gặt hái thành quả mà Thương Sobey để lại.

Mong ước của Thương Sobey vẫn còn đó, là phụ nữ nên quan tâm tới sức khỏe của mình, chủ động đi khám để có thể phát hiện sớm ung thư vú, để chữa trị và được sống. Phải làm gì để mong ước này trở thành hiện thực trên phạm vi rộng khắp vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải sau khi “người thủ lĩnh tinh thần” ấy ra đi.

Có được duy trì, gìn giữ thì “ngọn lửa Thương Sobey” mới cháy mãi, để sưởi ấm cho không chỉ những người phụ nữ không may bị ung thư vú cần chỗ dựa, mà cho cả những người trẻ tuổi vẫn đang sống không mục đích và chưa biết quý trọng chính bản thân mình.

Còn nếu không ư? Thì “Thương Sobey” sẽ bị lãng quên rất nhanh, như rất nhiều điều từng bị lãng quên trước đó!