Nghi lễ và trò chơi kéo co trở thành Di sản thế giới

ANTĐ - Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống của Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại vào 12h15 ngày 1-12 theo giờ Namibia (tức 17h15 ngày 2-12 theo giờ Việt Nam). 

Tin vui này được đưa ra tại phiên họp của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra tại thành phố Windhoek, Namibia, từ ngày 30-11 đến 4-12-2015.

Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống được thực hành ở khắp các vùng trồng lúa, hầu hết tập trung ở Đông và Đông Nam Á. Nghi lễ kéo co nhằm mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa và mùa vụ bội thu, có nhiều nét đa dạng khác nhau phản ánh đặc điểm riêng về bối cảnh sinh thái, lịch sử, văn hóa mỗi quốc gia.

Ở Campuchia, kéo co được thực hành thường xuyên bởi ba cộng đồng đại diện xung quanh Hồ lớn (Great Lake) của Biển Hồ Tonle Sap, gần khu vực khảo cổ Angkor. Tại Philippines, các nhóm kéo co được biết đến hội tụ tại Nunhipukana, nơi hợp lưu của sông Hapao và các sông nhánh. Trong khi đó, kéo co là nghi lễ phổ biến của người dân các địa phương thuộc tỉnh Chungcheongdam, Gangwon, Gyeongsangnam của Hàn Quốc.

Kéo co chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia 

Ở Việt Nam, kéo co được biết đến như một trò chơi dân gian truyền thống, một môn thể thao mang tính đồng đội, thường có mặt trong các lễ hội, các sự kiện sinh hoạt cộng đồng lôi kéo nhiều người tham gia. Kéo co phổ biến ở nhiều địa phương như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh cũng như tại Thành phố Hà Nội. Kéo co đáp ứng được các tiêu chí do UNESCO đề ra như tính thực hành; khả năng bảo vệ và lưu truyền trong cộng đồng… 

 

Nghi lễ và trò chơi kéo co trở thành Di sản thế giới ảnh 3Kéo co là trò chơi phổ biến trong đời sống sinh hoạt và trong các lễ hội

Việc nghi lễ và trò chơi kéo co được công nhận là Di sản phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại đã nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của Việt Nam lên con số 10.