Nghỉ làm do cách ly, giãn cách xã hội, người lao động có được trả lương?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Do dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh thành, không ít địa phương đã thực hiện cách ly, giãn cách xã hội kéo theo hàng nghìn lao động phải nghỉ việc. Điều khiến nhiều người quan tâm hiện nay là trong thời gian phải nghỉ làm, họ có được trả lương?

Theo Điều 99 BLLĐ 2019, trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương theo nguyên tắc: Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

Trường hợp do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

Nếu phải ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc...

Từ quy định trên có thể thấy, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc người lao động có được trả lương hay không phụ thuộc vào thỏa thuận giữa NLĐ và doanh nghiệp họ đang làm việc.

KhôngNhiều người lao động đã phải thực hiện cách ly để phòng chống dịch Covid-19 (ảnh minh họa)
Nhiều người lao động đã phải thực hiện cách ly để phòng chống dịch Covid-19 (ảnh minh họa)

Về nguyên tắc thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động nếu ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận, nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I: 4.420.000 đồng/tháng; vùng II: 3.920.000 đồng/tháng; vùng III: 3.430.000 đồng/tháng; vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng.

Trên thực tế, thời gian cách ly y tế đối với dịch Covid-19 có thể kéo dài trên 14 ngày theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của người lao động và gia đình họ do bị cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất xem xét, giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc nhưng phải cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thời gian hưởng được tính theo thời gian cách ly y tế (dự kiến 21 ngày), không tính những ngày đã được trả lương ngừng việc theo khoản 3 điều 99 Bộ Luật Lao động. Mức hưởng được tính theo quy định tại khoản 1 điều 28 Luật BHXH (mức hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc).