Nghĩ kỹ trước khi cấm

ANTĐ - Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Tài chính giải quyết những bất hợp lý liên quan đến việc thu phí đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Theo đó, hiệp hội kiến nghị giảm giá phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương 50% so với giá hiện hành. Ngoài ra, hiệp hội kiến nghị không lắp đặt trạm thu phí trên QL1A, bởi nếu phương tiện vận tải không sử dụng dịch vụ đường cao tốc thì không có nghĩa vụ trả phí để hoàn vốn cho tuyến đường này.

Dù mới đưa vào khai thác tạm đoạn Cầu Giẽ - Phủ Lý, song, chủ đầu tư đã kiến nghị thu phí và được chấp nhận. Được biết, khi cao tốc này hoàn thiện, sẽ áp dụng thu phí tương tự cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh, phí tính trên kilômét. Nhà đầu tư cho biết, sẽ đưa cả đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào diện thu phí đường cao tốc. Song vẫn có sự lựa chọn cho lái xe, có thể đi QL1A cũ hoặc có thể đi cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với mức phí cao hơn, nhưng thời gian chạy rút ngắn hơn. Tuy nhiên gần đây, Sở GTVT Hà Nội đã có lệnh cấm đối với xe tải chạy trên QL1A cũ, đoạn Ngọc Hồi - Cầu Giẽ mà bắt buộc phải chạy sang đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Vô hình trung, xe tải không có sự lựa chọn. Liệu đây có phải động thái “dẹp” đường, ép buộc xe tải phải đi trên cao tốc?

Dư luận bấy lâu đang “nóng” bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà ngành giao thông lại tăng thu. Kiến nghị tăng các loại phí trên đầu phương tiện dư luận hiện đang gọi là “tận thu”. Đóng phí - là khi người dân được cung cấp một loại dịch vụ. Sử dụng cầu, đường phải đóng phí nhưng dịch vụ mà ngành cung cấp cũng phải tốt. Đường sá xuống cấp, vừa đưa vào khai thác đã hư hỏng, khó quy trách nhiệm vì là của chung, trách nhiệm chung không được ngành so sánh với nước tiên tiến. Nhưng khi thu ngành GTVT lại đòi thu giống như Mỹ, như Singapore…

Hạn chế phương tiện cá nhân, nhưng lại không chỉ ra được phương tiện thay thế cho người dân khi di chuyển. Ép buộc đi xe buýt, nhưng bản thân lãnh đạo ngành giao thông cũng thừa nhận, xe buýt còn nhiều bất cập. Có lẽ lãnh đạo ngành giao thông nên sử dụng xe  buýt để đi làm thay vì đi xe công, “tư lệnh” ngành làm gương thì hỏi còn mấy người không phục. Và khi, tư lệnh ngành cảm thấy xe buýt đáp ứng được mà người dân vẫn không mặn mà, hãy nghĩ đến “cấm”.