Nghị định xét tặng danh hiệu NSND và NSƯT: Nhanh thì mới kịp!

ANTĐ - Dự thảo lần 3 Nghị định Quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể do Bộ VH-TT&DL tổ chức lấy ý kiến ngày 10-4 vẫn còn nhùng nhằng giữa các quan điểm. Trong khi đó, các nghệ nhân dân gian của Việt Nam đều ở độ tuổi gần đất xa trời, nếu không nhanh sẽ có rất nhiều nghệ nhân như cụ Hà Thị Cầu ra đi mà chưa hề nhận được sự đãi ngộ nào của Nhà nước. 

Nghệ nhân hát Văn Lê Bá Cao đã ngoài 80 tuổi

Rườm rà, thiếu thực tế

Cho dù cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nghệ nhân xoay quanh đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng 2 danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” và “Nghệ nhân ưu tú” nhưng 2 cụm từ này lại ít được nhắc đến nhiều nhất. Thay vào đó, các ý kiến đóng góp xoay quanh vấn đề làm rõ khái niệm “nghệ nhân”. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng không cần thiết phải quy định thật cụ thể về thời gian hoạt động nghề nghiệp của nghệ nhân. Nếu có phải khai thì cũng rất khó xác minh và cũng không có cơ quan nào đứng ra xác thực được vấn đề này. Vì thế, một người được coi là nghệ nhân nên căn cứ vào 3 tiêu chí: Đó là sự tôn vinh, suy tôn của cộng đồng, khả năng truyền dạy cho thế hệ sau và sẵn sàng cung cấp tài liệu để nghiên cứu về loại hình nghệ thuật đó. Về 3 tiêu chí này, ý kiến của GS. Tô Ngọc Thanh nhận được rất nhiều sự đồng tình của các đại biểu tham dự hội thảo. Bởi nghệ nhân trước hết phải sống trong lòng nhân dân, được nhân dân công nhận. Vì thế, 8 tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” được các đại biểu thống nhất nên rút ngắn lại, tránh rườm rà và khó đi vào thực tế. 

Loay hoay đãi ngộ

Vấn đề đãi ngộ nghệ nhân dân gian được đặc biệt lưu ý tại cuộc hội thảo. Trước sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu, báu vật sống của nghệ thuật Xẩm mà chưa nhận được sự ưu đãi nào của Nhà nước đã khiến các nhà khoa học rất tiếc nuối và đã có nhiều ý kiến về Điều 3 của dự thảo (Quyền và nghĩa vụ của Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú). Ông Vũ Trường Thành, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ đã thẳng thắn đề cập tới việc trợ cấp hàng tháng cho các nghệ nhân thay vì các thủ tục khá phức tạp được đưa vào trong dự thảo như: Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ bảo hiểm y tế đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú…

Theo ông Thành, nếu chờ được từng này thủ tục hoàn thiện, e rằng sẽ không kịp. Và lại sẽ có rất nhiều nghệ nhân tương tự như nghệ nhân Hà Thị Cầu ra đi khi chưa kịp nhận bất cứ khoản trợ cấp nào. Lấy thực tế từ hoạt động trao tặng danh hiệu cho các nghệ nhân tại tỉnh Phú Thọ, tuy mỗi tháng, các nghệ nhân chỉ nhận được hơn 100 nghìn đồng tiền trợ cấp nhưng điều đó cũng cho thấy sự quan tâm của Sở VH-TT&DL tỉnh tới các nghệ nhân, ông Vũ Trường Thành đã đề xuất vấn đề đãi ngộ các nghệ nhân. Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Đặng Văn Bài cũng cho rằng, chế độ đãi ngộ các nghệ nhân nên được thực hiện khẩn trương, tránh việc xin-cho trong văn bản pháp quy. Các nghệ nhân giỏi nhưng lại nghèo nhất là ở các vùng biên giới và dân tộc, điều kiện kinh tế rất khó khăn. 

Không thể bỏ thủ tục làm hồ sơ xét tặng

Với các nghệ nhân đã qua đời khi Nghị định chưa kịp ban hành, dự thảo đưa ra mục “Truy tặng” danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú trong thời gian 5 năm trước ngày Nghị định có hiệu lực, GS. Tô Ngọc Thanh cho rằng thời hạn 5 năm là quá ít ỏi, trên đất nước Việt Nam có rất nhiều nghệ nhân có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật truyền thống nhưng đã qua đời trước khoảng thời gian này. Nếu không suy tôn và trao tặng danh hiệu sẽ là một thiệt thòi với các nghệ nhân. Đặc biệt, GS. Tô Ngọc Thanh còn đề xuất thời gian truy tặng có thể kéo dài qua nhiều chế độ. Tuy vậy, điều này rất khó đưa vào cuộc sống vì Nghị định chỉ dành cho các nghệ nhân sống dưới thời đại Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, những thủ tục trong việc làm hồ sơ xét tặng danh hiệu được nhiều đại biểu cho rằng nên loại bỏ. Nghệ nhân nhận được sự suy tôn của cộng đồng đã là tấm giấy đảm bảo cho quá trình công nhận. Hơn thế, phần lớn các nghệ nhân đều già cả, sức khỏe đã kiệt quệ, thậm chí có nhiều nghệ nhân không biết tiếng Kinh, là người dân tộc thiểu số thì việc đòi hỏi lập hồ sơ xét tặng là làm khó cho các nghệ nhân. Tuy vậy, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa-Bộ VH-TT&DL đã giải thích rõ hơn về thủ tục làm hồ sơ xét tặng danh hiệu là cần thiết và không quá rườm rà như các nhà khoa học vẫn nghĩ. Đó chỉ đơn giản là một bản khai về quá trình làm nghề và trở thành tư liệu lưu trữ tại nhiều cơ quan xét duyệt. 

Trước những lời bày tỏ tâm huyết của các nhà khoa học và nghệ nhân, Bộ VH-TT&DL đã tiếp thu các ý kiến để sửa đổi và bổ sung cho dự thảo lần thứ 4. Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL khẳng định: “Dự thảo mới nhất sẽ được đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục lấy ý kiến đóng góp trên website chính thức của Bộ, văn bản gửi về các địa phương. Dự thảo lần thứ 4 sẽ ra mắt trong tháng 4 hoặc chậm nhất là vào đầu tháng 5”.