Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập WTO: Phê chuẩn sớm sẽ có lợi cho Việt Nam

ANTĐ - Ngày 5-11, Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang báo cáo về đề nghị phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thuyết trình về Nghị định thư và thảo luận tại tổ về nội dung này. 

Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Bali - Indonesia tháng 12-2013 đã thông qua Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (Hiệp định TF). Tháng 11-2014, Đại hội đồng WTO đã thông qua “Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập WTO” để bổ sung Hiệp định TF vào Phụ lục 1A của Hiệp định thành lập WTO. Báo cáo với Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, nếu đã có đủ 2/3 số thành viên WTO hoàn tất phê chuẩn, Việt Nam mặc nhiên phải tuân thủ thực hiện theo nghĩa vụ thành viên WTO.

Khi đó, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội khai thác nguồn hỗ trợ kỹ thuật phục vụ triển khai Hiệp định TF. Tính đến tháng 10-2015 đã có 49 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi, chiếm 45% số thành viên cần thiết để Hiệp định TF có hiệu lực. Do vậy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình trước Quốc hội những nội dung cụ thể để Quốc hội có thể sớm phê chuẩn.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nội dung chính của Hiệp định TF là các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan với cơ chế giám sát của các quốc gia thành viên WTO. Việc sớm phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi sẽ tạo thêm căn cứ pháp lý quốc tế để đẩy nhanh tiến trình cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với mục tiêu đặt ra của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Qua thảo luận tại tổ, đa số ĐBQH đoàn Hà Nội nhất trí cho rằng, với tư cách là thành viên WTO, Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi là yêu cầu bắt buộc. Việc sớm phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi để triển khai Hiệp định TF phù hợp với chủ trương, đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thể hiện vai trò thành viên chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế; là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tranh thủ các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực thực thi sau khi Hiệp định TF có hiệu lực.

Mặt khác, việc này sẽ có lợi cho nền kinh tế Việt Nam thông qua thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh tại các cửa khẩu cũng như các biện pháp hợp tác giữa hải quan các nước và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện...

Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Khí tượng thuỷ văn. Nhiều ý kiến tán thành với quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo do mình ban hành. Theo các ĐBQH, việc quy trách nhiệm cụ thể sẽ góp phần làm rõ trách nhiệm trong trường hợp thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác gây hậu quả nghiêm trọng.