Nghĩ dài, nói ngắn

ANTĐ - Nếu được lựa chọn, ông thích ngắn hay dài?

- Cái đó còn tùy. Ví dụ con đường, cây cầu dài nhưng chất lượng, tuổi thọ cũng phải “dài” theo. Thủ tục, giấy tờ càng ngắn gọn càng đỡ kéo dài thời gian, tiền bạc.

- Cuộc đời còn nhiều chuyện, nhiều thứ ngắn và dài. Chẳng hạn mong ngày dài đêm ngắn, mong nắng dài mưa ngắn; rồi mong tuổi thọ kéo dài nhưng ốm đau bệnh tật thật “ngắn” để vợ, con cháu không phải kéo dài nỗi khổ. Nếu có “ra đi” thì cũng thật... ngắn gọn.

- Thời gian là hữu hạn, chỉ mất đi mà không thể lấy lại được, cho nên ngay cả lời nói cũng phải ngắn gọn đừng để mất thời gian của mọi người.

- Quá đúng! Người mình không hiểu sao mắc cái bệnh đã thành tật nói dai, nói dài hóa nói dại.

- Họp khu phố, họp cơ quan, hội nghị nhiều bản báo cáo, bài viết dài dòng văn tự, vòng vo, vô thưởng vô phạt, nhắc đi nhắc lại những câu sáo rỗng, nhàm chán.

- Chính vì thế, kỳ họp Quốc hội lần này sẽ đổi mới không phải “kính thưa” đầy đủ tất cả lãnh đạo, mà chỉ còn “kính thưa Quốc hội” rồi đi thẳng vào nội dung.

- Bớt “kính thưa” trong các hội họp, hội nghị tính ra cũng tiết kiệm được khối thời gian. Thế còn việc nói dài?

- Theo quy định mới, mỗi đại biểu chỉ được chất vấn không quá 2 phút, giảm 5 phút so với quy định cũ.

- Nói ngắn gọn có sức lôi cuốn không dễ đâu, nó đòi hỏi thời gian dài suy nghĩ. Một triết gia cổ Hy Lạp nói: “Người nào có trí lực ngắn, lời nói thường rất dài”.